XUÂN THANH VÀ CD TÌNH LÀ HƯ KHÔNG
Tôi biết đến tiếng ca Xuân Thanh qua một bản tình ca của Phạm Anh Dũng mà tôi rất thích: “Trẩy Nhánh Sương Mù” (Phổ từ một bài thơ của Phạm Ngọc). Bản nhạc tuy ngắn nhưng tử lời đến nhạc đều tuyệt vời cộng với hòa âm rất vui của Quốc Dũng.
Tuy nhiên khi nghe Mỹ Tâm ca bản này trong CD ‘Tình Bỗng Khói Sương’, tôi vẫn thấy có một cái gì đó chưa ‘trọn vẹn’. Khi đó tôi đã có ý nghĩ rằng bài thơ viết cho một người nam, phải dành cho nam ca sĩ hát; hoặc là Mỹ Tâm chưa trải qua tâm trạng:
“… Em đi mùa lá ,
Tím biếc trời thu…”
nên không thể diễn tả được hết những gì thi sĩ (và nhạc sĩ) muốn gửi gấm. Thế nhưng, phải chờ cho đến một lần tình cờ nghe Xuân Thanh trình bày bài hát này trong CD đầu tiên của chị (Xuân Thanh 1: Tình ca Phạm Anh Dũng và 9 bài thơ thời danh lưu vong), tôi mới tìm được câu giải đáp khả dĩ cho sự ‘không trọn vẹn’ đó: khác với giọng ‘trơn’ của Mỹ Tâm, Xuân Thanh, qua tiếng hát uốn lượn như giòng nước chảy, đã làm cho tiếng hát của mình trôi và cuộn theo giòng nhạc một cách quá tài tình. Nhạc và lời quyện lấy nhau như một ngọn suối róc rách trong rừng sâu, reo vui nhưng trong đó vẫn có vẻ cô liêu trống vắng.
Trong CD này, ngoài bài nói trên và bài cuối cùng (‘Quên’, phổ thơ Vương Ngọc Long) mà Xuân Thanh cũng dùng nhiều đến kỹ thuật láy lượn rất khéo, tôi còn chú ý đến một bản được chị hát với một giọng đặc biệt, rất nhẹ, cao, và rất trong, đó là bản ‘Thôi Anh’. Khi nghe bản này tôi đã thấy tiếc và tự hỏi tại sao trong CD này Xuân Thanh đã không hát thêm một số bài như vậy nữa, khi hiện nay những giọng ca như vậy trong làng ca nhạc Việt Nam được coi là hiếm.
Rồi phải chờ một thời gian khá dài, đến một ngày gần đây, khi có dịp nghe đĩa số 2 của Xuân Thanh , tôi đã lịm người ngay từ khi nghe bản đầu tiên: ‘Xin Giữ Lại Trái Tim Người’ (thơ Vương Ngọc Long) khi nghe lại được những gì tôi vẫn ao ước, đó là một tiếng hát nhẹ, cao và trong:
“Tôi đổ hồn xuống em, đồi Thiên Mụ
Kéo sầu tôi lên đỉnh Ngự treo ngang
Em vẫn thế, vẫn phố xưa guốc cũ
Gặm buồn tôi trăm nhát chém ăn năn…”
Thật là một bài mở đầu quá tuyệt.
Có lẽ sau CD đầu tay, Xuân Thanh đã nhận ra sở trường của mình trong những cung bực cao, và chọn những bài hát đúng với chất giọng đặc biệt của mình. Cũng vì vậy, hầu hết những bản nhạc trong CD số 2 này có thể được coi là ‘khó’. Tuy khó, nhưng là những bài thơ khéo chọn, hay cả ý lẫn từ.
CD được ghi lời chú: ‘Nhạc phổ 12 bài thơ tình lưu vong’, như một tiếp nối cho CD trước với 9 bài thơ thời danh lưu vong, nếu đem gộp chung, là một tập hợp những bài thơ đặc sắc. Đặc sắc ở chỗ chúng không mang nặng dấu ấn ‘lưu vong’, cho ta thấy tình yêu trong thi ca quả thực bất biến với không gian. Tác giả có thể ‘lưu vong’, nhưng tình yêu thì không thế. Tình yêu trong âm nhạc dường như muôn đời vẫn chỉ xoay quanh ‘nhớ’, ‘mơ ‘, ‘mong’ và ‘không trọn vẹn’.
“Em lạc trần gian thiên thần cháy cánh,
Mất thiên đàng mưa đẫm ướt giòng thư ”
(Thiên Thần Cháy Cánh, thơ B.H.)
hay:
“Về tự một mùa đông
em rầu rầu sương cỏ
hồn mưng mưng mây mù
cõi nhớ mắt bơ phờ ”
(Về Từ Vô Vọng, thơ Du Tử Lê)
và:
“Nay còn một nhánh hồng
Cho một người tuyệt vọng
Biển đông thêm muối mặn
Em đi cùng thơ ngây”
(Sầu Trong Đêm, thơ Chánh Thành)
là vài đoạn trích trong những bài thơ đã được Phạm Anh Dũng phổ nhạc và Xuân Thanh hát trong CD số 2 của Xuân Thanh , mang tựa đề ‘Tình Là Hư Không’.
Những tình khúc trong CD đã được tuyển chọn rất hay, hoàn toàn không có sự trùng lấp về âm điệu, và có nhiều đoạn để người ca sĩ có cơ hội phô diễn tài nghệ của mình trong những cung nhạc cao vút:
“… Anh sẽ hứa, nhưng đừng chờ, em nhé !
Môt mai ngựa thồ mỏi vó chồn chân…”
(Xin Giữ Lại Trái Tim Người, thơ Vương Ngọc Long)
“… Thời thơ ngây đã hết
Chẳng còn ai đợi trông…”
(Sầu Trong Đêm, thơ Chánh Thành)
Đương nhiên yếu điểm của một giọng soprano là những nốt trầm. Điều này cũng dễ nhận ra ở Xuân Thanh, như ở bài ‘Trăng Sáng’ (phổ thơ Nguyễn Văn Thu), đã được nhạc đệm ‘đỡ một tay’ qua phần bass đi chung với tiếng organ dẫn dắt rất khéo. Trong bài ‘Valentine, Như Phụng Cầu Hoàng’ (phổ thơ B.H.), người nghe có thể dễ dàng nhận ra sự thay đổi trong giọng hát rất rõ nét ở chuyển đoạn từ thấp ‘…Yêu vô cùng, hơn tất cả – đến đời sau’ sang cao vút ‘Có sóng gió, Valentine làm chứng, nhưng có bao giờ người thật với tôi đâu!…’. Khi đó, giọng người ca sĩ như con diều đã cùng với gió bay bổng lên qua khỏi năm khuôn nhạc.
Về phần hòa âm phối khí, Huỳnh Nhật Tân ở CD số 2, khác với Quốc Dũng trong CD số 1, chú trọng nhiều đến phần âm vực trầm, sự tương phản với tiếng hát mạnh ở âm vực cao đã làm nổi bật giọng người ca sĩ. Hơn nữa, ngoài phần trống và bassguitar đơn giản nhưng sống động, Huỳnh Nhật Tân đã mang vào nhiều nhạc khí ‘gẩy’ như guitar, mandoline, harpsichor… Tân nhạc Việt Nam gần gũi với những nhạc khí này hơn những nhạc khí thuộc loại ‘kéo’ như violon, cello.. , những điểm này sẽ giúp người nghe dễ tiếp cận nhạc phẩm hơn. Bài ‘Sầu Trong Đêm’ viết theo thể valse nhưng nhạc đệm có những lúc dồn dập mang hơi hướng tango, lúc khoan thai du dương, cộng với tiếng organ rất nhẹ phía sau và phần hát bè phụ, theo tôi là bản xuất sắc đặc biệt trong CD này.
Một bản nhạc tôi nghĩ Phạm Anh Dũng rất thích, đó là ‘Tình Là Hư Không’, đã được dùng làm tựa cho CD. Tôi cho vậy, đã có ít nhất 4 người trình bày bản nhạc này: Julia Thủy, Mỹ Khanh, Bảo Yến và Bích Huyền. Bản nhạc có mười chữ ‘thu’ mang nhiều ý nghĩa được lập đi lập lại tạo thành nền cho bài hát. Trước đây, tôi đã nghe cả 4 giọng ca, mỗi người có mỗi cách riêng của mình, nhưng trong CD này, với giọng cao và trong, Xuân Thanh, ngay từ câu đầu, đã cho người nghe được thưởng thức một lối diễn tả đặc biệt, đối nghịch hẳn với giọng rời và trầm của Mỹ Khanh, và cũng không giống cách kiêu sa của Julia Thủy, lả lướt sôi nổi của Bảo Yến hay giản dị cách duyên dáng của Bích Huyền. Trong bài này, Huỳnh Nhật Tân đã soạn phần nhạc đệm có phần bass mang âm những hạt mưa rơi toong toong rất hay và khớp với tiếng ca Xuân Thanh.
Một người bạn đã đưa ra nhận xét khi được nghe 2 CD của Xuân Thanh là trong CD thứ hai, Xuân Thanh đã dùng quá nhiều ‘kỹ thuật’ để cho giọng hát ‘khá giống’ Ý Lan. Mặc dù không đồng ý hoàn toàn với nhận xét này, nhưng sau khi nghe lại nhiều lần, tôi cũng nhận ra rằng quả tình Xuân Thanh đã ‘nức nở’ ở những bài không cần ‘đẫm nước mắt’ như ‘Trăng Sáng’, ‘Mơ Qua’. Cũng như vậy, bài ‘Tưởng Tượng Ra Ngày Sau’, tôi nghĩ nếu giảm thiểu được nồng độ nước mắt, Xuân Thanh sẽ diễn đạt hay hơn nhiều. Một bài hát có nhiều chuyển đổi cung điệu liên tục, và nhiều đoạn trong âm vực trầm là một thử thách quá lớn? Nhưng bù lại, với chất giọng đó Xuân Thanh đã kết thúc Tình Là Hư Không , nhiều bản nhạc một cách rất hay, như trong bản ‘Như Đất Trời Tình Nhân’ hay một đoạn dẫn rất hay đưa đến khúc Coda cao vút và trong suốt:
“… Một dấu tích để anh mang về
Chốn đời sau? Hay cuối đời… này! ”
(Như Đất Trời Tình Nhân, thơ B.H.)
để kết thúc CD ‘Tình Là Hư Không’ như một trang bìa sau thật đẹp. Tôi đang tự hỏi: CD thứ ba sắp phát hành của Xuân Thanh sẽ ra sao nhỉ?
Nguyễn Hiền