• Bài Viết Về Phạm Anh Dũng
  • BẠN BÈ CŨNG VIẾT TÌNH CA
  • BÍCH HUYỀN
  • CD Nhạc Pham Anh Dũng
  • Karaoke Nhạc Phạm Anh Dũng
  • Liên Lạc
  • Nhạc Phẩm Đặc Biệt
  • Nhạc Quỳnh – Phạm Anh Dũng
  • Phạm Anh Dũng hát
  • Phạm Anh Dũng viết, biên soạn
  • Tác Phẩm Bạn Bè
  • Vài hàng về PHẠM ANH DŨNG/Nguyên Bích

Phạm Anh Dũng

~ phamanhdung

Monthly Archives: August 2021

MẮT XANH TRONG TÌNH CA / Phạm Anh Dũng

31 Tuesday Aug 2021

Posted by Phạm Anh Dũng in Uncategorized

≈ 1 Comment

MẮT XANH TRONG TÌNH CA


Trong nhạc tình tân nhạc của Việt Nam thường hay có “mắt xanh.” Thực tế làm gì có người Việt Nam nào có mắt mầu xanh trừ khi đeo contact lenses mầu xanh hay là mắt của “con lai” hoặc là mắt của “con ma!” Như vậy “mắt xanh” nghĩa là gì?

Nghĩa thứ nhất “mắt xanh,” theo ý nhiều người cảm nhận, chỉ là ám chỉ người đàn bà còn trẻ và dĩ nhiên có mắt… đẹp.

Nghĩa thứ hai “mắt xanh,” nghĩa theo sách, là để chỉ sự bằng lòng hay vừa ý. Theo Điển Hay Tích Lạ của Nguyễn Tử Quang:

““Mắt xanh” do chữ “thanh nhãn,” tức là mắt ở giữa là tròng đen (hoặc xanh) hai bên tròng trắng.

Nguyễn Tịch, người đời nhà Tấn, là người rất ưu rượu và đàn. Làm quan rồi cáo bịnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là “Trúc lâm thất hiền” (bảy người hiền ở rừng trúc).

Ông là người chán đời, thích tiêu diêu trong vũ trụ. Thơ của ông phần nhiều tả tình, hoặc than cho thói đời đen bạc, hoặc chán cho thế sự thăng trầm, hoặc ngao ngán cảnh phú quý công danh như phù vân… Tư tưởng của ông có lúc lại kỳ dị. Như trong bài văn xuôi “Đại nhân tiên sinh truyện,” ông ví con người trong vũ trụ như con rận trong quần.

Ông phản đối Nho giáo. Ông bảo: “Không có vua thì vạn vật ổn định; không có bề tôi thì mọi việc được trị; không có kẻ sang thì kẻ hèn không oán; không có kẻ giàu thì kẻ nghèo không tranh của. Ai nấy đều đủ ăn mà không cầu gì nữa.” Thật là một tư tưởng “vô chính phủ” nhưng cũng lạ là vua Tấn vẫn để ông ở yên.

Nguyễn Tịch lại có một thái độ lạ lùng. Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng.”

Do điển đó, sau này người ta dùng chữ “mắt xanh” để chỉ sự bằng lòng, vừa ý và từ đó có chữ “lọt vào mắt xanh.”

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, lúc Từ Hải gặp Thúy Kiều ở thanh lâu, Từ Hải hỏi Kiều:

“…Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?”

Chỗ này Từ Hải hỏi: “Mắt xanh chẳng để ai vào có không?“
là ý muốn hỏi Thúy Kiều: “Nàng đã thấy ai vừa ý chưa? Đã có chàng nào “lọt vào mắt xanh” chưa?”

Bây giờ đến vài bản tình ca Việt Nam có “mắt xanh”:

“…Ai nhớ mắt xanh năm nào Chiều thu soi bóng nắng chưa phai mầu…”
(Chiều Tím/nhạc Đan Thọ, lời Đinh Hùng)

“…Huyền, mắt xanh đêm ngàn saoLuyến thương dâng sầu ngút, cánh uyên lên ngời cao, không vợi niềm đau…“
(Huyền/nhạc và lời Thanh Trang)

“…A haha, suối in hình chiếc xe tàn đêm naoĐập vỡ cây đàn, giận đời nào ai mắt xanh…“
(Bánh Xe Lãng Tử/nhạc và lời Trọng Khương)

“…Nhớ người em xưa , màu mắt xanh, tình thơ ngâyThường men lối ven sông tìm nhặt cánh hoa tàn…“
(Biết Đâu Tìm/nhạc và lời Hoàng Thi Thơ)

“…Trìu mến mắt xanh dâng hương tìnhlàm ngất ngây khách đa tình… thầm ước duyên mơ…“
(Chiều Vào Thu/nhạc và lời Hiếu Anh)

Mắt xanh… xanh:
“Cho mắt em trong mầu xanh xanh, cho tiếng em ru thần thánh Dáng em dịu hiền, cánh môi em hồn nhiên…”
(Thì Thầm/nhạc và lời Lại Quốc Hùng)

Mắt xanh… xao:
“…Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…”
(Diễm Xưa/nhạc và lời Trịnh Công Sơn)

Mắt xanh… mờ:
“…Hẹn mãi, cho biết đến bao giờ cho đôi mắt xanh mờ, tím như không gian đợi chờ…”
(Vườn Tàn Phai/nhạc và lời Hoàng Quốc Bảo)

Mắt… mơ xanh mờ:
“…Và tóc rối bời hồn đang lạnh trống Đôi mắt mơ xanh mờ theo ánh tà dương…”
(Sao Đêm/nhạc và lời Lê Trọng Nguyễn)

Mắt xanh… thắm trong tâm hồn:
“…Tiếng ai còn âm âm, tóc ai còn thơm thơm, mắt ai còn xanh thắm trong tâm hồn”
(Mắt Biếc/nhạc và lời Cung Tiến)

Cuối cùng là một bản nhạc với mắt hết mầu…xanh:
“Nếu anh về môi em phai mầu thắm Nắng ngoài sân vàng lỡ tuổi xuân qua 
Nếu anh về mắt em hết mầu xanh Lệ tràn mi nhìn nhau đau tiếc nuối…
“
(Nếu Mai Anh Về/nhạc và lời Phạm Anh Dũng)  

Cũng xin viết thêm là bài viết này chỉ bàn đến “mắt xanh” còn “mắt biếc” thì nhờ quý vị nào đó viết dùm.

Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California USA

Mời nghe/xem Nếu Mai Anh Về (Phạm Anh Dũng) Mỹ Lệ hát, Quốc Dũng hòa âm, Đào Cận video:
https://youtu.be/ERdK7QjTskw

Mỹ Nhân Tự Cổ Như Danh Tướng / Hoàng Xuân Thảo

25 Wednesday Aug 2021

Posted by Phạm Anh Dũng in Uncategorized

≈ Leave a comment

Tiểu Thuyết Dã Sử MỸ NHÂN TỰ CỔ NHƯ DANH TƯỚNG
của nhà văn HOÀNG XUÂN THẢO (cố bác sĩ Hoàng Ngọc Khôi) 

lời bàn: bác sĩ Nguyễn Thanh Bình
thơ cảm đề: bác sĩ Trần Xuân Dũng.
bìa vẽ: bác sĩ Mùi Quý Bồng
các minh họa trong sách: 2 bác sĩ Mùi Quý Bồng & Lê Thành Ý

tựa: bác sĩ Đặng Ngọc Thuận
lòi cảm tạ: bác sĩ Thân Trọng An

Một tác phẩm giá trị do Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada phát hành

Các bạn muốn có cuốn sách này, xin liên lạc với
BS Nguyễn Thanh Bình
455 av EllertonMont
Royal QC H3P 1E3

Email: ( batsach@hotmail.com )

==========

TỰA

Cuốn tiểu thuyết MỸ NHÂN NHƯ DANH TƯỚNG là một công trình
văn học hư cấu dựa trên những sự kiện lịch sử xảy ra trong thời Chúa
Trịnh Sâm, một công trình vô cùng công phu, dự tính gồm hơn 42
chương song mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, các tác giả mới sưu
tầm viết xong 12 chương thì đại dịch Covid-19 đã lấy đi cây viết cột
trụ của công trình là Bác Sĩ Hoàng Ngọc Khôi (Toronto), một thiên tài
học rộng biết nhiều trong nhiều lãnh vực, y khoa, khoa học, văn học,
lịch sử, sư phạm …
Trong bối cảnh thương tiếc vô biên, các cộng sự viên đành lòng có gì
làm nấy, có nghĩa là gom góp 12 chương đã hoàn tất thành một tác
phẩm để lưu danh và cũng là vinh danh một nhân tài vừa khuất núi.
Cuối mỗi chương đều có lời bàn bổ túc và cắt nghiã của Bác Sĩ (và
cũng là một học giả tại Montreal) Nguyễn Thanh Bình, rất chính xác
và cần thiết cho độc giả nào muốn hiểu rõ những sự kiện và nhân vật
(rất nhiều) đã được kể trong chương.
Tiếp theo là một hai bài thơ của Bác Sĩ Trần Xuân Dũng (Úc
Châu) do cảm hứng gây ra bởi câu chuyện kể trong chương mà
làm ra. Các độc giả yêu thơ hẳn là sẽ yêu thích thưởng thức.
Cũng phải kể những bức tranh minh họa của Bác Sĩ Mùi Quý Bồng
(Houston) tác thành sau khi nghiên cứu tìm tòi sao cho hợp tình hợp
cảnh đã được diễn tả trong chương.


Công phu như thế nên theo thiển ý nhận xét, 12 chương nói trên có
thể chia làm 2 phần :

  • Phần chính (tuyệt tác) nói về mối tình Bà Chúa Chè, một mỹ nữ
    đẹp tuyệt vời gốc nông thôn hàng ngày đi hái chè, được tiến vô
    cung đã làm Chúa Trịnh Sâm, một danh tướng quyền thế trong
    tay suốt cả một cõi sơn hà, say mê cuồng nhiệt như thế nào.
    Hãy lấy một thí dụ : Nghe lời đường mật thì thầm bên gối của Bà
    Chúa Chè, Chúa Trịnh Sâm đã phế bỏ con trưởng Trịnh Tông
    18 tuổi văn võ toàn tài để phong con thứ Trịnh Cán mới 5 tuổi
    yếu đuối ốm đau ngay từ khi mẹ là Bà Chúa Chè sanh ra, làm
    Thế Tử sau này sẽ kế vị mình…
  • Phần phụ (rất hàn lâm dài dòng văn tự, cắt đôi cuốn sách làm 2)
    dành riêng 2 chương cho Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,
    một danh y từ nơi ẩn dật ở Nghệ An được triệu ra triều để điều
    trị cho Thánh Thể Trịnh Sâm và Thế Tử Trịnh Cán.
    Thú thật là một Tây Y, tôi hoàn toàn không hiểu cách lý luận âm
    dương hụ hợ để chẩn bệnh, định bệnh và ra toa của Hải Thượng Lãn
    Ông. Vậy mà các đồng nghiệp đã có thể dựa vào những lời ghi chép
    rất khó hiểu từ 300 năm để nói rằng Trịnh Sâm bị dépression
    névrotique … còn Trịnh Cán bị néphrose, ascite!… Xin khâm phục!
    Trở lại phần chính công trình của đàn anh Hoàng Ngọc Khôi (Anh
    Khôi học trên tôi một lớp về Y Khoa song thật ra trên về mọi mặt, kể
    ra e rằng không hết) tôi phải nói là rất hấp dẫn vì tính cách hư cấu
    dựa trên lịch sử có thực, một phương cách để tôi học hỏi được nhiều
    điều về lịch sử trong giai đoạn nhiễu nhương của đất nước chúng ta
    trong thời gian ấy.

    Nhân đây tôi có nhận xét là cũng như triều đại các nước như Trung
    Hoa, Nhật Bản (có vua còn có chúa), trong những giai đoạn tranh
    chấp ngôi vị, quyền lực … Việt Nam ta có rất nhiều nhân vật dính líu
    vô mọi chuyện, mọi biến cố trong cung cấm, khiến thường nhân hậu
    thế chẳng biết đầu đuôi xuôi ngược ra sao mà lần (nhiều người, nhiều
    tên lại còn nhiều chức tưóc khá phức tạp nữa, lúc kêu danh này lúc
    gọi tên khác)
    Cho nên đọc MỸ NHÂN NHƯ DANH TƯỚNG, tôi mạn phép khuyến
    cáo độc giả nào có thiện ý đọc cho tận hiểu, tận cùng thì cần có thiện
    chí và nhẫn nại để đọc và nhớ cho kỹ, kiên trì mà hấp thụ một áng
    văn sử vô cùng giá trị.
    Riêng tôi về mặt này, xin có lời cảm tạ 2 ông bạn cố tri là các BS
    Nguyễn Thanh Bình và Thân Trọng An.

Đặng Ngọc Thuận

==========

Lãn Ông Lê Hữu Trác (Lê Thành Ý vẽ)

==========

LỜI CẢM TẠ

Bác sĩ Hoàng Ngọc Khôi với bút danh Hoàng Xuân Thảo là một văn thi nhạc kịch sĩ đa tài nổi danh từ thuở sinh viên đã cống hiến văn đàn Việt Nam rất nhiều tác phẩm quý giá.
Đầu năm 2021, ở tuổi 90, anh chuyển điện thư đến bằng hữu mỗi tuần một chương tiểu thuyết dã sử Mỹ Nhân Tự Cổ Như Danh Tướng trong mấy tháng liền và bỗng dưng tuyệt tin cuối tháng tư. Thì ra anhđột ngột ra đi tại Toronto.
Các đồng tác giả Nguyễn Thanh Bình (Lời Bàn) và Trần Xuân Dũng (Thơ Cảm Đề) cùng với vài thành viên Ban Biên Tập Tập San Y Sĩ trong Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada và một số độc giả muốn tưởng nhớ và vinh danh anh nên giao phó trách nhiệm cho Tập san Y Sĩ phát hành tác phẩm dang dở rất hay này để mọi người cùng thưởng lãm.
Tập San Y Sĩ xin trân trọng đa tạ sự đóng góp quý báu khắp Thế Giới Tự Do của:
Bs Mùi Quý Bồng từ Houston, Texas, một nghệ sĩ rất đa tài, đã tâm huyết dựa theo cốt truyện vẽ tranh bìa và đại đa số minh họa làm tăng hẳn giá trị thẩm mỹ của tập truyện
Bs Lê Thành Ý ở Montreal, cũng phác họa ba bức tranh quý báu và ý nghiã
Bs Đặng Ngọc Thuận, một văn tài “ẩn danh” ở Montreal, đã nồng nhiệt nhận lời giới thiệu sách với một bài Tựa súc tích đầy tình cảm
Bs Trần Văn Tích bên Đức Quốc đã góp ý bàn luận về Đông Y với anh Khôi, anh Bình
Học giả Phí Minh Tâm (Hoa Kỳ) và Bs Hoàng Kim Giám (Hoa Kỳ) tra cứu để in các bản nguyên tác chữ Hán, rồi dịch sang tiếng Việt và nhất là giúp anh Khôi cho Nguyễn Đề kể rõ lai lịch bài thơ Điệu Kim Phu Nhân của bà Triệu Diễm Tuyết trong Tùy Viên Thi Thoại với hai câu đầu ít người biết đến ở chương IV
Nhiếp ảnh gia Vũ Ngọc Hiến, cũng là người điều hành Nhà Xuất Bản Saigon Graphics tại Montreal đã hết lòng góp ý và góp sức.
Vạn sự khởi đầu nan, song nhờ lòng sốt sắng của anh em mà giờ đây quyển tiểu thuyết dã sử này của cố nhân được hoàn thành mỹ mãn để ra mắt quý vị.

Thân Trọng An
(thay mặt Tập San Y Sĩ VN tại Canada)

==========

Thày Đồ Kể Chuyện Ngày Xưa (Mùi Quý Bồng vẽ)

Tấm ảnh “Hình ảnh một buổi chiều” / Lê Hữu

12 Thursday Aug 2021

Posted by Phạm Anh Dũng in Uncategorized

≈ Leave a comment

Tấm ảnh “Hình ảnh một buổi chiều” –

Lê Hữu

Tôi vẫn thích sưu tầm ảnh đẹp. Nhìn ngắm một bức ảnh đẹp, thấy lòng mình như lắng xuống, thấy tâm hồn như dịu lại và cuộc sống như cũng dễ chịu hơn. Không chỉ thích ảnh đẹp tôi còn thích đặt tên cho ảnh. Nhiều ảnh không cần phải đặt tên, thế nhưng có đôi lúc gặp bức ảnh gợi nhiều cảm xúc tôi vẫn muốn tìm cho ảnh một cái tên.

Tấm ảnh tôi xem được ở nhà chị Dung là một ảnh như thế. Tấm ảnh khá quen thuộc với những người thân của chị. Tôi gọi tên ảnh là “Hình ảnh một buổi chiều”.

Tôi nhớ, trong chuyến đi Nam Cali ngắn ngày nhiều năm trước, chị Dung nhắn vợ chồng tôi ghé nhà chơi. Trước đó tôi được chị gửi tặng tập sách quý với chữ ký chỉ phác vài nét tên chị, cũng dung dị như tính cách của chị. Trong sách có cái “note”, chị nói phải gửi qua bưu điện vì chờ mãi chẳng thấy xuống để đưa tận tay. Tập sách đầy đặn, là “Tuyển tập Lê Đình Điểu”.

Chị Dung có lối nói chuyện thật tự nhiên và thân mật khiến người nào gặp chị lần đầu cũng cảm thấy thoải mái và gần gũi.

Hôm ấy tôi cũng được gặp những con người thật nghệ sĩ trong gia đình chị là chị Bích Huyền (phụ trách “Chương trình thơ, nhạc” quen thuộc đài VOA) và anh chị Phạm Anh Dũng (nhạc sĩ sáng tác, với nhiều ca khúc phổ thơ).

Sau bữa cơm gia đình là buổi “trà đàm” văn nghệ khá lý thú giữa mấy chị em trong nhà. Tôi không định nhắc tên anh Điểu, thế nhưng đến khi chị Bích Huyền đọc câu thơ trong bài thơ nào của Y Dịch,

Lần đầu em hát theo tà áo
Lần đầu anh bối rối bàn tay

tôi buột miệng hỏi chị cái lần “anh bối rối bàn tay” ấy có phải là “thuở ban đầu” của anh chị. Hỏi thế là có lý do, tôi nhớ có đọc đâu đó anh Điểu kể chuyện có lần anh phải đỏ mặt xấu hổ vì bị thầy giáo hay cô giáo trong lớp chị “bắt quả tang” anh lóng ngóng đứng chờ chị ngoài hành lang lớp học.

Tôi chỉ nhớ được mỗi câu lục bát của anh, bèn đọc cả nhà nghe và nói tôi thích câu thơ ấy vì rất gần với ca dao và thơ Nguyễn Bính.

Mùa thu có lá ngô rơi
Có đôi người mới thành đôi vợ chồng

Chị Dung nói chị cũng thích câu thơ ấy và anh chị đều thích thơ Nguyễn Bính. Rồi vui chuyện, chị kể thêm những bài thơ nào anh viết tặng chị, những bài hát nào hai người cùng thích, những cuốn phim nào hai người cùng xem như là những kỷ niệm ngọt ngào và cả những nơi chốn đầy những “dấu chân kỷ niệm” của anh chị kể từ ngày hai người gặp nhau, yêu nhau trong sân trường Văn khoa. Tôi nhớ chị nhắc tên phim “Vũ điệu trong bóng mờ” (La valse dans l’ombre) và tên bài hát “Tà áo Văn quân” của Phạm Duy Nhượng, như nhắc tôi nhớ ra rằng từng có một bài hát đẹp như thế trong nhạc Việt, kể về câu chuyện… “Một chàng phiêu lãng, ôm đàn tới giữa đời.“

Từ lúc ấy tôi chỉ có mê mải ngồi nghe và nghe, chỉ thỉnh thoảng góp chuyện. Tôi nhớ định nói chị nên viết hồi ký kể lại câu “chuyện hai người” ấy nhưng lại thôi, và chỉ nói thật tiếc là tôi đã không được gặp anh ngày trước.

Đến một lúc câu chuyện tạm ngưng, chị Dung bỗng đứng dậy nói vợ chồng tôi đi theo chị. Chúng tôi bước vào căn phòng nhỏ tĩnh lặng, được chị cho biết là phòng làm việc của anh Điểu. Chị nói từ ngày vắng anh, chị giữ nguyên trạng các vật dụng bày biện trong phòng, như là anh chỉ mới vừa đi xa. Thỉnh thoảng chị vào phòng lau chùi bụi bặm, kéo màn cửa cho ánh nắng rọi vào.

Đứng bên chị, tôi đưa mắt nhìn quanh. Những giá sách, thật nhiều sách, và những tranh ảnh rải rác. Tôi chú ý chiếc khung ảnh trên bàn làm việc của anh. Tấm ảnh đen trắng, mờ mờ. Chị đứng nép một bên vai anh, tựa đầu lên vai anh. Anh cúi nhìn chị, nụ cười ấm áp thương yêu. Cánh tay chị quàng lên vai anh, và bàn tay anh nắm giữ bàn tay chị. Anh có nụ cười thật hiền, chị có miệng cười thật đẹp, để lộ đường răng trắng. Trông anh chị như đôi chim bồ câu quấn quýt không rời.

Tôi đứng nhìn thật lâu, như bị hút vào tấm ảnh, tưởng nhìn thấy được hạnh phúc trên nét mặt chị, trên nụ cười chị và cả trên những lọn tóc chị. Tựa đầu lên vai anh, khuôn mặt chị nằm nghiêng, mái tóc cũng nằm nghiêng. Mái tóc anh từng yêu, từng viết thành bài thơ tặng chị. Tôi không nhớ bài thơ như thế nào nhưng nhớ rằng bên dưới cái tựa chỉ có một chữ “Tóc” ấy anh viết xuống câu dẫn vào bài nhạc “Hình ảnh một buổi chiều” của Lâm Tuyền và Dạ Chung, “Anh không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng nào cả, anh chỉ giữ hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em.”

“Ảnh cũ lắm rồi,” chị Dung nói. Tôi nói tấm ảnh đẹp giống như bài thơ hay, chẳng bao giờ cũ cả. Tôi lại quên hỏi chị ảnh chụp lúc nào, ở đâu. Không gian ấy có thể là buổi sáng hay buổi chiều nhưng tôi cứ cho là buổi chiều vì nhớ dòng chữ anh Điểu ghi trên đầu bài thơ tặng chị. Nơi chốn ấy có thể là đồi cỏ hay cánh đồng nào ở miền quê. Xa xa, sau lưng hai người, là rặng núi mờ mờ.

Trong thoáng chốc, tôi thấy lòng mình như se lại. Tôi nghĩ đến những lần chị Dung một mình bước vào căn phòng vắng lặng ấy, một mình chị ngắm nhìn những kỷ vật nằm im lìm ấy, và cả tấm ảnh mờ mờ đánh thức trong chị những thoáng hạnh phúc mơ hồ, xa xăm. Chị giữ căn phòng ấy như giữ chút hơi ấm của người chồng muôn thuở.

Sau ngày anh mất, chị Dung đã có những năm sống một mình, lặng lẽ như chiếc bóng trong ngôi nhà đầy kỷ niệm ở Bellflower. Chị làm bạn với hoa lá trong mảnh vườn sau nhà, chị tận hưởng sự tĩnh lặng và cứ một mình một bóng như thế cho đến khi các con chị dọn về ở với chị.

Trở vào phòng khách, tôi nói đùa câu gì đó cho chị vui, nhưng không thấy chị cười. Chị lặng yên như đang suy nghĩ chuyện gì hay đắm chìm trong thế giới nào riêng tư.

Nhớ lần sau cùng tôi gọi điện thoại thăm chị Dung. Chị nói dạo sau này không được khỏe lắm, rồi chị nói sang chuyện khác. Chị Dung là vậy, chị chia sẻ niềm vui, chị giấu kín nỗi buồn. Chị không nói về mình, chị chẳng kể ai nghe, nhiều bạn bè chị không hề hay biết gì về bệnh tình của chị cho đến khi…

Hôm được tin chị mất, tôi tưởng mình nghe lầm, tôi mong là mình nghe lầm.

Cứ mỗi lần hay tin một người thân quen nào đột ngột qua đời, tôi lại có cảm giác thật hụt hẫng như vừa bước hụt vào khoảng không và nhận rõ hơn bao giờ hết cái vô nghĩa đến tột cùng của đời sống.

“Thứ Bảy này cả nhà sẽ tiễn đưa chị Dung,” chị Bích Huyền nói với tôi đêm qua. Chị rưng rưng nói chị rất buồn và nhớ.

“Chắc giờ này chị Dung đã gặp lại anh Hà,” sau cùng chị Bích Huyền nói.

“Tôi cũng tin như vậy,” tôi nói vậy, rồi mở cánh cửa sau bước ra ngoài, ngước nhìn bầu trời đêm lác đác sao. Tôi dõi mắt trông về một ngôi sao xa nhất, khi ẩn khi hiện trên nền trời đen thẫm, trông xa vẫn thấy lấp lánh như có một linh hồn.

“Em đi rồi, anh trở về hồn lạnh, mắt sao rơi…“

Câu hát ấy ở trong bài nhạc phổ thơ Y Dịch, bài thơ “Tiễn em” anh viết tặng chị khi tiễn đưa chị lên đường du học Hoa Kỳ, là thời kỳ hai anh chị mới yêu nhau… thì xa nhau. Người phổ bài thơ ấy là em chị Dung, nhạc sĩ Phạm Anh Dũng.

“Hai nốt nhạc ‘sao rơi’ ấy nghe thật là mênh mang,” tôi nói với anh Dũng như vậy.

* * *

Chị Dung đã sẵn sàng và chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi xa của chị. Chị bình thản chờ đợi điều xấu nhất đến với mình; hơn thế nữa, chị mong đợi điều ấy đến với mình.

Chị mong đợi ngày ấy, như anh từng mong đợi chị, như anh và chị từng mong đợi nhau suốt những năm chị du học, suốt những năm anh tù tội. Anh và chị đã quen chờ đợi. Thế nhưng chị không thể bắt anh chờ đợi lâu hơn nữa.

“Mẹ để bố chờ lâu quá rồi, mãi đến 20 năm!” Chị Dung nói với cô con gái mình.

Hai mươi năm của chị Dung chỉ như bóng mây qua, chỉ như giấc mộng dài. Rồi anh chị lại có nhau, lại tay trong tay trên cánh đồng thời gian. Cũng như chị Bích Huyền và bao người thân yêu khác của chị Dung, tôi tưởng nhìn thấy anh đang dang rộng cánh tay về phía chị cùng với nụ cười ấm áp thương yêu, nụ cười thật hiền hệt như trong tấm ảnh ngày xưa ấy.

Anh Điểu “không giữ trong tay một kho tàng hay một danh vọng nào cả”, và chị Dung cũng chỉ giữ có mỗi tấm ảnh mờ mờ ấy. Tấm ảnh “Hình ảnh một buổi chiều”.

Lê Hữu

(*) Hà là tên gọi của anh Điểu trong gia đình.

********************

Tháng Bảy Chưa Mưa (thơ Y Dịch-Tiễn Em, nhạc Phạm Anh Dũng) Tuấn Ngọc hát Duy Cường hòa âm, Đào Cận thực hiện video:

********************

Chị Dung


Chị ruột yêu thương của tôi, tên là Phạm Thị Dung và các bạn chị gọi là Phạm Dung hay Phạm Dung-Lê Đình Điểu (ghép tên chồng vào), nhưng tôi chỉ thích gọi hay viết: chị Dung.

Chị Dung vừa qua đời, tôi bàng hoàng và vì mất chị thành muốn viết vài hàng.

Gia đình tôi tất cả 13 anh em, nay không có chị nữa, chỉ còn 3 và anh chị em tôi không ai có thể so được vói chị. Từ ngày xưa còn bé cho đến bây giờ, lúc nào tôi cũng xem chị như một tấm gương sáng để theo.

Chị Dung ít nói nhưng nghiêm và tôi chắc chắn các anh chị em chúng tôi đều nể phục nghe lời chị, dù chị không phải là con trưởng ở gia đình. Riêng tôi, tôi còn “sợ” chị vì hồi nhỏ hay bị khảo bài trước khi đi học. Có lẽ vì vậy sau này tôi học cũng tạm đâu vào đấy. Thú thật trong nhà chỉ có chị Dung và anh Vân (cũng qua đời lâu rồi) là đáng kính cảm phục, còn lại đám anh chị em trước sau, kể cả bản thân tôi đều không nhiều thì ít đều không hoàn toàn.

Chị nghiêm nhưng chị cũng rất hiền, rất tốt với mọi người, giúp đỡ tất cả kể cả người lạ nhưng không may. Điểm này chị giống mẹ chúng tôi y hệt. Cụ đã hết tiền dành dụm vì nấu cháo cho người đói ăn hồi nạn đói năm Ất Dậu.

Chị Dung rất thích âm nhạc. Chị đã từng đậu vào Quốc Gia Âm Nhạc, chị thích học mandoline,  nhưng nhà không đủ điều kiện để chị học cả chữ và nhạc.

Chị học Trưng Vương, ra trường đậu Tú Tài hạng cao được học bổng đi Hoa Kỳ học.

Trước đó chị bắt đầu quen với anh Điểu và hai người yêu nhau. Khi chị đi Hoa Kỳ năm 1961, với bút hiệu Y Dịch, anh có làm bài thơ Tiễn Em và tôi có viết thành bài nhạc Tháng Bảy Chưa Mưa năm 1992.

Lúc đó còn một kỷ niệm vui là “ai” chụp ảnh chị đang đi xe velosolex đăng lên National  Geographic tháng 10 năm 1961, sau khi chị đã đi. Chị không nói, mãi đến sau này tôi mới biết.

Năm 1963, chị tốt nghiệp BS of Nursing và lấy được bằng hành nghề Registered Nurse. Khi về nước chị đi dạy Nursing ở trường Cán Sự Điều Dưỡng và dạy Anh Văn ở Hôi Việt Mỹ. Anh Điểu, chồng chị,  làm đến Cục Trưởng Cục Nôi Vụ của Tổng Cục Thông Tin Chiêu Hồi nhưng vẫn không đủ sống thoải mái vì chị vẫn phải giúp đỡ cha mẹ và các anh chị em.

Chị Dung hiền không trách ai bao giờ. Hiền đến nỗi chỉ thở dài, không trách cứ ai, kể cả nhưng người tưởng là bạn nhưng đã làm hại đến chồng con, gia đình mình. Tôi chưa hề thấy chị nói xấu người khác bao giờ.

Nhưng chị cũng rất vững vàng. Sau “giải phóng” 1975, chị mất việc và ở nhà nuôi 3 đứa con bằng cách thổi xôi bán chợ trời khi chồng đi học cải tạo. Khó tưởng tượng và thật là kiên trí, mẹ bồng bế 3 con lôi thôi lếch thếch vượt biên 9 lần, vài lần bị bắt tù, mà vẫn không thoát!

Sau những cái rủi cũng đến cái may. Rồi sau gia đình cũng may qua được Pháp 1983, khi anh Điểu đi học tập về,  vì bố chồng chị ngày xưa là Trung Úy Quân Đội Pháp và dù cụ đã qua đời rồi chính phủ Pháp vẫn lo cho gia đình đi.

Tôi đón gia đình anh chị qua Hoa Kỳ năm 1985. Anh Điểu theo nghề ký giả cho báo Việt, nghề bạc bẽo, bận, không có tiền và thỉnh thoảng còn bị “chụp mũ”. Căn bản là lương của chị Dung hành nghề  school nurse. Vợ chồng sau cũng mua được nhà cửa ở Bellflower, giữa Orange County và Los Angeles. Gia đình, con cái… hầu như mọi sự do chị lo để anh đi lo chuyện “vác ngà voi”.

Rồi anh Điểu qua đời 1999 vì bệnh bất ngờ và chị Dung “ở vậy” từ đó đến nay, kể cả khoảng 10 năm ở một mình trong căn nhà cũ đầy kỷ niệm. Những năm sau này có con cháu về ở chung cũng đỡ vắng vẻ hơn.

Khoảng 2 năm rưỡi trước đây, chị được bác sĩ cho biết là bệnh nặng cần hóa quang trị và giải phẫu. Chị qua các trị liệu dễ dàng. Nhưng khoảng sáu tháng sau này bệnh quay lại và lần này có không thuốc chữa được.

Ba ngày trước, cháu Y Sa, con gái chị gọi điện thoại cho biết tin dữ. Dù biết chuyện không tránh được, tôi nghẹn lời không nói ra lời và phải cúp điện thoại. Hôm nay nghĩ và viết những dòng này mới thấy chị là một con người thật “đẹp” và tôi dám chắc chị Dung đã dễ dàng siêu thoát về nơi cao, nơi có anh Điểu đang chờ đã 20 năm.

Chị Dung đã “đi xa” mãi mãi rồi!

Phạm Anh Dũng
ngày 29 tháng Tư năm 2019

National  Geographic tháng 10 năm 1961 
Anh Điểu & 1966 Chị Dung (anh Trần Đại Lộc chụp)

Nếu Anh Còn Trẻ / Phạm Anh Dũng

06 Friday Aug 2021

Posted by Phạm Anh Dũng in Uncategorized

≈ Leave a comment

Nếu Anh Còn Trẻ


Nếu anh còn trẻ như năm ấy 
Quyết đón em về sống với anh 
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại 
Anh đàn em hát níu xuân xanh 

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận 
Anh lụy đời quên bến khói sương 
Năm tháng… năm cung mờ cách biệt 
Bao giờ em hết nợ Tầm Dương? 

Nếu có ngày mai anh trở gót 
Quay về lãng đãng bến sông xa 
Thì em còn đấy hay đâu mất? 
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà…” 

(Nếu Anh Còn Trẻ/thơ Hoàng Cầm) 

Trên đời này có biết bao nhiêu người gặp nhau, hay gặp lại nhau, yêu nhau muộn màng lúc đã… già?
Muộn màng! Bài thơ lãng mạn do thi sĩ Hoàng Cầm viết năm 1941, diễn tả nỗi buồn vì một cuộc tình dở dang của người không còn… trẻ nữa.
Có nhiều chữ, nhiều câu thật tuyệt vời. Lấy vài thí dụ giản dị trong bài, để xem tài làm thơ của Hoàng Cầm. Mở đầu bài thơ, chữ “Nếu” cho thấy đây một chuyện mong ước, giả dụ. Đọc tiếp cho hết câu đầu, “anh còn trẻ như năm ấy”, sẽ thấy rõ đó chỉ là một chuyện không thể có thực. Nhưng, chữ “Quyết” ở đầu câu thứ hai cho thấy dù chỉ là chuyện giả tưởng, ý tưởng người đàn ông vẫn mạnh mẽ, khi có ý “đón em về sống”. Có một chữ hơi lạ là “khoảng” của câu thứ ba. Thường người ta sẽ viết là “buổi”. Nhưng đọc “khoảng chiều” nghe thấm thía hơn là “buổi chiều”. Cái cảm giác khi đọc “khoảng chiều” sẽ là những lúc hoàng hôn về, không được trọn vẹn được thành cả buổi chiều, mà chỉ có những khoảng thời gian của một buổi chiều mà thôi. Kết quả làm cả câu thơ buồn hơn, hay hơn. Chữ “níu” ở trong “níu xuân xanh” phải nói là rất hay, cho thấy tình trạng gần như là tuyệt vọng của mối tình… già, dù đây vẫn chỉ là nói chuyện giả tưởng. Mặc dù chuyện đón người yêu về chỉ là chuyện không có thực, mà tình yêu đã mong manh như vậy rồi! Đoạn cuối của bài thơ, câu đầu cũng bắt đầu bằng “Nếu”, do đó cũng chỉ là chuyện giả dụ. Tuy vậy, khi đọc tiếp có “ngày mai anh trở gót” thì thấy câu chuyện lại có thể xẩy ra trong tương lai và không phải là chuyện không thật như ở đoạn đầu bài thơ. Nhưng, lúc đó người “lãng đãng” có thể hiểu là người đàn ông đã mất hồn vì mất… tình đi lang thang khắp nơi, rồi tìm về “bến sông xa” vắng với cái buồn cô đơn. Câu áp chót của bài thơ là một câu hỏi, “em còn đấy hay đâu mất?”. Và, chữ “Thì” đặt khéo léo ở đầu câu làm cả câu mạnh hẳn lên với ý nghĩa thậm xưng hơn nhiều. Câu thơ, câu hỏi nhưng có vẻ đã biết câu trả lời rồi, gần như thành một nỗi niềm trách móc, ai oán. Câu cuối cùng của bài thơ, thật hay, đã làm bật ra được cái cảm giác buồn cô độc của thi sĩ. Hai chữ “buồn teo” là buồn hoang vắng. “Cuối xóm buồn teo một tiếng gà” nhấn mạnh đến sự vắng vẻ và buồn. Hoàng Cầm viết “một tiếng gà”, một tiếng động chứ không phải tiếng gáy của gà. Chỉ có một tiếng động nhỏ của một con gà, không có tiếng thứ hai. Thi sĩ Hoàng Cầm không viết là một đàn gà, không viết là hai con gà. Đọc câu thơ sẽ có cảm giác chỉ có một con gà mà thôi. Tiếng động nhỏ của một con gà từ cuối xóm còn vọng lên nghe thấy được cho thấy xóm buồn vắng vẻ như thế nào!

Mãi đến năm 1985, tức là 44 năm sau, nhạc sĩ Phạm Duy mới phổ nhạc bài thơ. Chắc lúc đó, tuổi đã về chiều, Phạm Duy mới cảm được bài thơ? Ông cho biết bài thơ không có tựa đề và đặt tên bài hát là Tình Cầm. Thật ra, bài thơ có tên Nếu Anh Còn Trẻ (99 Tình Khúc – Thơ Hoàng Cầm, trang 175). Có thể, đề tựa bài thơ chỉ được đặt về sau này và Phạm Duy đã không hề biết đến. Bài thơ tình Nếu Anh Còn Trẻ đã trở thành bài nhạc Tình Cầm. Sau khi được phổ nhạc, âm giai chính là Sol Trưởng, lời bài hát trở thành như sau: 
Nếu anh còn trẻ như năm cũ… 
Quyết đón em về sống với anh! 
Những khi chiều vàng phơ phất đến… 
Anh đàn em hát níu xuân xanh…” 

Bốn câu khá hay trong đoạn thứ hai của bài hát, không có trong bài thơ, do chính Phạm Duy “liều lĩnh phang” (chữ của Phạm Duy dùng khi viết về bài hát này) thêm vào: 
Có mây bàng bạc gây thương nhớ 
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ… 
Có anh ngồi lại so phím cũ 
Mong chờ em hát khúc xuân xưa!!! 

Đoạn thứ ba, điệp khúc, lời khác hẳn bài thơ và nhạc chuyển trùng hẳn xuống, buồn hơn vì đổi qua âm giai Sol Thứ: 
Nhưng thuyền em buộc trên sông hận… 
Anh chẳng quay về với trúc tơ! 
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt 
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ! 

Đoạn kết, nhạc trở về với Sol Trưởng, lại rộng rãi hơn nhưng có lời hát với ý tưởng khác đoạn thơ nguyên thủy: 
Nếu có ngày nào em quay gót 
Lui về thăm lại bến thu xa 
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữẳ 
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha” 

(Tình Cầm/thơ Hoàng Cầm, nhạc Phạm Duy) 


Có nhạc điệu uyển chuyển, thật hay, bài tình ca Tình Cầm là một trong những bài nhạc được gọi là Hoàng Cầm Ca của Phạm Duy.
Đó là chuyện bài thơ nhạc Nếu Anh Còn Trẻ-Tình Cầm. 

Để kết thúc, lại nói thêm một chút chuyện già trẻ ở ngoài đời. Thế nào là già? Như thế nào là trẻ? Vấn đề này chỉ tương đối thôi và tùy theo cảm quan của con người mà thôi. Thật ra có nhiều người nhiều người trông qua có vẻ trẻ nhưng tình cảm, bên trong lại không trẻ chút nào hết và có những người khác, bên ngoài nhìn thấy là già, mà tâm hồn vẫn trẻ trung. Những “người thơ” có đầu óc, được tâm hồn như Hoàng Cầm hay Phạm Duy, có thể nói không có tuổi và vẫn trẻ mãi mãi…


Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California USA

CHÚ THÍCH: Tầm Dương và tỳ bà.
Tỳ bà tuy là nhạc cụ cổ truyền của VN nhưng có nguồn gốc từ đàn pipa của Trung Hoa. Tầm Dương là tên một con sông bên Trung Hoa. Câu thơ của Hoàng Cầm có chữ “Tầm Dương” và từ đó câu của Phạm Duy có chữ “tỳ bà” là do câu chuyện sau: 
Tầm Dương là một con sông thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc chảy qua huyện Cửu Giang. Vào đời Đường, nhà thơ Bạch Cư Dị đang làm quan ở kinh đô, bị giáng chức về làm Tư Mã quận Cửu Giang (tức quận Giang Châu). Ở đây, trong một lần tiễn bạn ở bến sông Tầm Dương, nhà thơ gặp một cô gái giang hồ trên sông, cô gái vốn là một tay đánh đàn tỳ bà nổi tiếng ở kinh đô Tràng An lưu lạc về. Nghe đàn tỳ bà, lại nghe cô gái kể lể về cảnh ngộ rủi ro, nhà thơ cảm khái làm bài “Tỳ Bà Hành” nổi tiếng được truyền tụng đến ngày nay và đã được Phan Huy Ích dịch ra tiếng Việt.
Trong Chinh Phụ Ngâm (nguyên tác Hán Văn của Đặng Trần Côn dịch sang tiếng Việt do Phan Huy Ích hay Đoàn Thị Điểm, đến nay vẫn không biết chắc chắn là người nào) có câu: “Bến Tầm Dương chàng còn ngoảnh lại. Chốn Tiêu Tương thiếp hãy trông theo… ”
Bài thơ Tỳ Bà Hành của Phan Huy Ích dịch thơ Bạch Cư Dị cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành một bài nhạc (khác).


TÀI LIỆU THAM KHẢO: 
1. Nếu Anh Còn Trẻ (Tập thơ 99 Tình Khúc-Hoàng Cầm, trang 175-Văn Học xuất bản năm 1996 tại Việt Nam) 
2. Tình Cầm (Tập nhạc Thấm Thoát Mười Năm-Phạm Duy, trang 75-Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ, Tủ Sách Cành Nam và Tạp Chí Xác Định xuất bản năm 1985 tại Hoa Kỳ) 
3. Về Những Bài Gọi Là Hoàng Cầm Ca (bài Phạm Duy viết trong Tập San Hợp Lưu số 8 tháng Chạp, 1992 và tháng Giêng, 1993


Nghe Tình Cầm (thơ Hoàng Cầm, nhạc Phạm Duy) : Thái Thanh hát, Duy Cường hòa âm:

Ngựa Trong Âm Nhạc Việt Nam 

04 Wednesday Aug 2021

Posted by Phạm Anh Dũng in Uncategorized

≈ Leave a comment

Ngựa Trong Âm Nhạc Việt Nam 


1. Vài bài hát tựa đề có “Ngựa”:

Bài hát xưa nhất có lẽ là bài Lý Ngựa Ô. Nguyên thủy là một bài dân ca miền Nam, nghe nói do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba ghi nhạc lai. 

Nhạc sĩ viết bài tựa đề có “Ngựa” nhiều nhất là Phạm Duy:

  • Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng tức Đạo Ca 3 (Phạm Thiên Thư – Phạm Duy)
  • Ngựa Hồng tức Rong Ca 9 (Phạm Duy)
  • Vết Thù Hằn Trên Lưng Ngựa Hoang (Ngọc Chánh và Phạm Duy)

Những nhạc phẩm khác do các nhạc sĩ khác với tựa đề có “Ngựa”:

  • Ngựa Phi Đường Xa (Lê Yên)
  • Vó Ngựa Giang Hồ (Lê Mộng Nguyên)
  • Ngẫu Hứng Ngựa Ô (Trần Tiến)
  • Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa (Lê Uyên Phương)
  • Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non (Giao Tiên)

… 

2. Những bài có chữ “ngựa” trong lời nhạc:

Người “dùng” nhiều “ngựa” nhất là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những bài nổi tiếng có “ngựa” nhớ được là: 

  • Xin Mặt Trời Ngủ Yên (Trịnh Công Sơn): …Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương… 
  • Một Cõi Đi Về (Trịnh Công Sơn): … Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa … 
  • Phúc Âm Buồn (Trịnh Công Sơn): …Ngựa xa rồi, người vẫn ngồi, bụi về với mây … 
  • Dấu Chân Địa Đàng (Trịnh Công Sơn): … Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần … 
  • Một Ngày Như Mọi Ngày (Trịnh Công Sơn): …Một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say … 
  • Đóa Hoa Vô Thường (Trịnh Công Sơn): … Ngựa hí vang đường xa, vọng suốt đất trời kia … 
  • Xa Dấu Mặt Trời (Trịnh Công Sơn): …Vó ngựa trên đời, hay dấu chim bay… 
  • Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên (Trịnh Công Sơn): …Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng … 
  • Chỉ Có Ta Một Đời (Trịnh Công Sơn): …Đời vẽ tôi tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng… 

Trịnh Công Sơn còn nhiều bản nhạc khác có “ngựa” như là Giọt Lệ Thiên Thu, Có Những Con Đường, Rơi Lệ Ru Người, Thưở Bống Là Người … 

Các nhạc sĩ khác: 

  • Chinh Phụ Ca (Phạm Duy): …Ngựa hồng âu yếm bước sang, trên lưng có chàng trai trang... 
  • Ra Biên Cương (Phạm Duy) … Trăng non dị thường, ngựa tung gió bước … 
  • Hòn Vọng Phu 1 (Lê Thương) …Ngựa phi ngoài xa hí vang trời...
  • Như Chiếc Que Diêm (Từ Công Phụng): …Xót dùm cho thân ta ngựa bầy đã xa … 
  • Một Mình Trên Đồi Nhớ (Từ Công Phụng): … Đồi xưa ngựa hồng đã khuất bóng hồn chênh vênh cỏ buồn …
  • Ghé Bến Sài Gòn (Văn Phụng): … Ngựa xe như nước rộn ràng… 
  • Mộng Hải Hồ (Văn Phụng – Lữ Liên):… Lòng ta mơ tiếng vó ngựa chập chùng … 
  • Sài Gòn (Y Vân): …Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau… 
  • Bài Ca Ngợi Tình Yêu (Thanh Tâm Tuyền – Phạm Đình Chương): …Con ngựa buồn lửa trốn con ngươi… 
  • Hát Trên Đồi Tăng Nhơn Phú (Vũ Đức Sao Biển): … Ngựa hồng ơi bao nhiêu năm rồi … 
  • Hồ Như (Hoàng Quốc Bảo): … Ngựa hồ như hí đứng thiên thu … 
  • Mai Chị Về (Quang Dũng – Cung Tiến): … Ngựa lạc rừng hoang qua lướt qua … 
  • Khi Xa Sài Gòn (Lê Uyên Phương): … Sài Gòn xe chiều rạt rời vó ngựa … 
  • Đi Chơi Chùa Hương (Nguyễn Nhược Pháp – Trần Văn Khê) … Thầy theo sau cưỡi ngựa … 
  • Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười (Trần Trung Đạo – Võ Tá Hân): … Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê … 
  • Nghe Tiếng Suối Đời Gọi Dửng Dưng (Vũ Thư Nguyên): …Bờ cát trắng ngựa hồng phi trong gió bụi… 
  • Hỏi Thăm Một Bóng Người (Vương Ngọc Long, Nguyễn Đăng Tuấn) …Vó ngựa còn lóc cóc…

…

Bài cuối cùng là Xin Giữ Lại Trái Tim Người (thơ Vương Ngọc Long – nhạc Phạm Anh Dũng):
… Anh sẽ hứa nhưng đừng chờ em nhé
Một mai ngựa thồ mỏi vó chồn chân … 

Phạm Anh Dũng 
Santa Maria, California USA

Xin Giữ Lại Trái Tim Người (thơ Vương Ngọc Long – nhạc Phạm Anh Dũng)

Xuân Thanh trình bày, Huỳnh Nhật Tân hòa âm trong album 
Tình Là Hư Không-Tình Ca Phạm Anh Dũng:
https://www.youtube.com/watch?v=f2Cu8oedKwU

Recent Posts

  • Nhạc Huế Phạm Anh Dũng
  • Karaoke Nhạc Phạm Anh Dũng
  • NHÀ GIÀ… CHÀO MI / Khánh Vân
  • Dạ Khúc-Bài Nhạc Quỳnh Cuối Cùng (Phạm Anh Dũng) Thu Vàng
  • Hoa Tương Tư – tập truyện thơ Hồng Thủy

Recent Comments

Chị Dung | Phạm Anh… on GIÒNG NHẠC PHẠM ANH DŨNG / Châ…
“Quái Kiệt” Trần Văn… on QUÁI KIỆT TRẦN VĂN TRẠCH (1924…
TIẾNG HÁT THU VÀNG |… on CD Tiếng Hát Lênh Đênh-Tiếng H…
Chuyện Chiếc Đàn Vĩ… on CD Đưa Người Về Phương Đô…
Mầu Sắc Thiếu Nữ Và… on Tranh & Nhạc, Quỳnh, Nguyễ…

Archives

  • May 2023
  • April 2023
  • March 2023
  • February 2023
  • January 2023
  • December 2022
  • November 2022
  • October 2022
  • August 2022
  • July 2022
  • June 2022
  • April 2022
  • March 2022
  • February 2022
  • January 2022
  • December 2021
  • November 2021
  • October 2021
  • September 2021
  • August 2021
  • July 2021
  • June 2021
  • May 2021
  • March 2021
  • January 2021
  • July 2020
  • May 2020
  • April 2020
  • February 2020
  • November 2019
  • October 2019
  • September 2018
  • November 2017
  • October 2017
  • September 2017
  • October 2016
  • May 2016
  • February 2016
  • December 2015
  • November 2015
  • October 2015
  • September 2015
  • August 2015
  • July 2015
  • June 2015
  • May 2015
  • November 2014
  • October 2014
  • September 2014
  • August 2014
  • July 2014
  • February 2014

Categories

  • Phạm Anh Dũng viết
  • Uncategorized

Meta

  • Register
  • Log in
  • Entries feed
  • Comments feed
  • WordPress.com

Categories

  • Phạm Anh Dũng viết
  • Uncategorized

CD Phạm Anh Dũng

Create a free website or blog at WordPress.com.

Privacy & Cookies: This site uses cookies. By continuing to use this website, you agree to their use.
To find out more, including how to control cookies, see here: Cookie Policy
  • Follow Following
    • Phạm Anh Dũng
    • Already have a WordPress.com account? Log in now.
    • Phạm Anh Dũng
    • Customize
    • Follow Following
    • Sign up
    • Log in
    • Report this content
    • View site in Reader
    • Manage subscriptions
    • Collapse this bar
 

Loading Comments...