Ngày xưa tôi có giấc mơ được thành họa sĩ nhưng bỏ, sau khi vẽ một bức tranh ở lớp đệ thất trường trung học Võ Trường Toản và “được” thầy dậy vẽ Nguyễn Thanh Thu (điêu khắc gia nổi tiếng với bức tượng Thương Tiếc) khuyên không nên theo “nghiệp”… vẽ. Nhưng tôi vẫn rất thích xem tranh vẽ, tuy cá nhân ít có điều kiện “mua” hay dù chỉ “đi xem” tranh. Tôi thường hay mua sách vẽ của các họa sĩ về nhà xem được nhiều và kỹ. Nhưng chỉ có các họa sĩ ngoại quốc mới có sách cho chính họ. Họa sĩ Việt Nam, trong nước không biết sao chứ hải ngoại đến nay chỉ có một quyển sách cho họa sĩ Thái Tuấn do hội VAALA thực hiện đã lâu. Quyển này ngoài những tranh vẽ còn những bài viết và bài nhạc Về Những Ấn Tượng của Lê Uyên Phương, chưa ai hát bao giờ. Lúc đó tôi có mua vài quyển dành tặng bạn bè có thích hội họa. Còn phần mình thì để quyển sách trên kệ thỉnh thoảng ai đến thì cho xem nếu nghĩ là họ thích hội họa. Có thể tôi không biết nhưng rồi không thấy thêm sách nào về hội họa Việt Nam cả. Mãi đến gần đây mới nhận được qua bưu điện quyển sách vẽ quý Mầu Sắc Thiếu Nữ Và Phong Cảnh của Nguyễn Sơn bên Đức (phiên bản tiếng Anh có ở amazon.com). Không viết nhiều, nhưng chắc ai cũng đoán được là tôi thích quyển sách ra sao. Bức tranh bìa là họa phẩm về hoa… quỳnh!Và nhất là với họa sĩ Nguyễn Sơn, chúng tôi có tình tri âm khi anh vẽ nhiều tranh có tên của một số bản nhạc do tôi sáng tác. Riêng bản Tiếng Hát Liêu Trai anh vẽ 3 bức 1, 2 và 3. https://www.youtube.com/watch?v=_mmXzBxuQmw Cám ơn họa sĩ Nguyễn Sơn gửi sách và Việt Thức Foundation đã bỏ công sức thực hiện sách quý. Xin trân trọng giới thiệu
Phạm Anh Dũng (tháng Chạp 2021, California USA)
*
MẦU SẮC THIẾU NỮ VÀ PHONG CẢNH gồm 100 hình tranh của Nguyễn Sơn, khổ sách to 30cm x 23cm có phiên bản Anh Văn NGUYỄN SƠN COLORS YOUNG GIRLS & SCENERY tại Amazon.com
ấn hành do:
VIỆT THỨC FOUNDATION 3111 Cranleigh Ct. Fairfax, VA 22031
VÀI BỨC TRANH TRONG SÁCH:
Thu Và EmĐơn Côi Trong Vòng Tay MẹNày Em Có Nhớ
ĐÔI LỜI VỀ NGHỆ THUẬT HỘI HỌA
Tranh của mỗi Họa Sĩ có cái đẹp, cái lạ, cái hay riêng của nó. Nghệ Thuật rất là rộng lớn, đa dạng, nên từ đó sinh ra các thể loại khác nhau. Người ta gọi đó là các Trường phái của Hội Họa. Mỗi trường phái có sắc thái đặc thù và cái đẹp riêng của nó. Không sắc thái nào hơn hay kém sắc thái khác. Vì thế khi nói đến Nghệ Thuật thì không có sự so sánh xấu đẹp, đúng sai, cao thấp. Chỉ có cảm nhận và thích hay không thích mà thôi.
Người làm nghệ thuật hay thưởng ngoạn mỹ thuật chỉ cần yêu và thích một số trường phái hay sắc thái mỹ thuật riêng cho mình là đủ. Yêu thích và tôn trọng Nghệ Thuật là tôn trọng yêu thích chính bản thân mình.
Những gì tôi ôm ấp và yêu thích đã được tiêu biểu trong tác phẩm mỹ thuật “MẦU SẮC THIẾU NỮ VÀ PHONG CẢNH” này.
Nguyễn Sơn
TIỂU SỬ NGUYỄN SƠN
Sinh ngày 08.08.1950 tại Hà Nội, Việt Nam. 1954 Theo Gia đình vào Nam. (Di Cư 54)
Học Trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định Sài Gòn. tiếp tục học Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định Sài Gòn. Dậy vẽ Art Studio tại ngã tư Phú Nhuận. Rời Việt Nam, tới Đức do tàu Cap Anamur vớt. Tiếp tục học Restaurieren. ( Tu bổ và sửa chữa tranh ) Tốt nghiệp Restaurieren. Làm việc 6 năm trong Viện Bảo Tàng Hannover, Germany. Tiếp tục học Fotografische- Dokumentation Makrofotografie für Restauratoren Tiếp tục học Werbungstechniker und Design ( Kỹ thuật Quảng cáo và Trình bày) Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Braunschweig (HBK) Làm Werbungstechniker und Design cho hãng OTTO Đức Quốc. Triển lãm nhiều nơi như: Hannover, Obrnkirchen, Bonn, Statthagen, Sindelfingen, Stuttgart, Berlin. Hội viên hội Nghệ Thuật Hannover Germany. Hiện nay nghỉ Hưu trí.
CD Bâng Khuâng gồm 12 nhạc phẩm chọn lọc để giới thiệu dòng nhạc mới của Nguyễn Ngọc Phúc, một dòng nhạc mang âm hưởng của những ngày xa xưa trước năm 1975 và để giữ lại quê hương của những ngày tháng cũ trong trái tim.
Nhạc phẩm Bâng Khuâng được viết từ câu chuyện tình thực sự của một người bạn rất thân của tác giả ở trường trung học Chu Văn An thời 60-70 với một người con gái áo trắng học trò.
Khi nghe Phạm Duy kể lại câu chuyện Em Tan Trường Về, Anh Theo Ngọ Về của Phạm Thiên Thư, anh chợt nhớ tới câu chuyện tình sử của người bạn rất thân của mình.
Cũng bắt đầu từ lúc Em Tan Trường Về, anh viết:
Yêu tà áo trắng Tim khờ khạo im bước Khép nỗi cô đơn Anh ngập ngừng lặng lẽ theo
Có một buổi chiều trong cơn mưa bụi rơi xuống, gió đưa làn tóc tung tăng, cô học trò áo trắng đã dừng chân để vội vàng cuống quít cuộn lại ngọn tóc mưa bay, nàng đã nghiêng vai liếc nhìn lại sau lưng một dáng người lặng lẽ theo.
Trong ánh mắt nhẹ đưa đó, nàng đã để rơi một chút tình:
Sợi tóc tung tăng Tay vội vàng cuống quít Cuộn đời mưa bay Nghiêng vai rơi một chút tình
Từ đó, anh thì thầm khắc khoải Yêu Em và rồi đã nhìn thấy Thiên Đường, một Thiên Đường có áo trắng bay và hoa thơm với nắng lượn quanh nhưng anh đã không kịp đặt được gót chân vào ngưỡng cửa địa đàng.
Trong một buổi sáng mù sương, ngày mồng 4 Tết, anh đã buông tay cho định mệnh, ôm một giấc ngủ vùi nghìn thu khi gẫy cánh chim sắt trên chiến trường của vòm trời quê hương năm 70 và đã để lại đằng sau những chiều vàng phai nhạt dần trong nắng phôi pha rồi vỡ tan vào giấc mơ của môt đêm ngủ dài không còn thấy ánh mặt trời.
Giờ là nghìn trùng xa vắng không còn nỗi Bâng Khuâng nhưng anh sẽ không bao giờ quên được cánh cửa Thiên Đường nơi có những dấu chân bụi mờ anh đã bước đến và đã để lại một trời hạnh phúc cạnh bên một đời yêu em :
Vỗ giấc ngủ vùi Quên dấu địa đàng Quên những chiều vàng Giấc mơ tan rồi.
Nhạc phẩm Bâng Khuâng để đặc biệt nhớ tới một người bạn thân đã khuất mặt chia tay lâu lắm rồi và cho một người còn lại ở trần gian này như một giấc mơ… chưa tan của mình.
(trích Việt Báo ngày 18 tháng 10 năm 2020)
*****
Bâng Khuâng (nhạc và lời Nguyễn Ngọc Phúc) Anh Vũ hát, video: Hoàng Khai Nhan
Dạ Khúc Trăng Buồn (nhạc và lời Nguyễn Ngọc Phúc) Thanh Lan hát, video: Hoàng Khai Nhan
Vàng Hương Mộng Ngọc là tên một tập sách của nữ sĩ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao (1953-2001). Quyển sách xuất bản năm 1998 gồm có cả thơ và nhạc. Hoàng Ngọc Quỳnh Giao tên thật là Hoàng Ngọc Quỳnh, sinh năm 1953, tốt nghiệp Trung Học Đồng Khánh tại Huế và Đại Học Y Khoa tại Bruxelles. Sau đó, Hoàng Ngọc Quỳnh hành nghề y khoa tại nước Bỉ. Ngoài bút hiệu thường dùng nhất, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, nữ thi nhạc sĩ còn dùng những tên khác như Hoàng Ngọc Quỳnh, Quỳnh Ngọc Hoàng, Tiểu Quỳnh, Vương Tử Quỳnh… cho những bài thơ và nhạc đăng rải rác trên các báo Việt Ngữ trên thế giới. Có lẽ tài hoa đáng kể nhất của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao là thơ phú, rồi đến âm nhạc. Ngoài ra nữ sĩ cũng có khiếu về hội họa và nhiếp ảnh. Bài viết này chỉ bàn đến vài nét chính trong thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, đa số các bài thơ nhắc đến có trong quyển Vàng Hương Mộng Ngọc. Thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao có thể tạm chia làm thơ dịch, thơ cảm hứng từ thơ hay nhạc, thơ tự trào, thơ nhớ quê hương, thơ tình yêu và thơ về quỳnh hoa. Thật ra cách chia không được ổn lắm vì có những bài thơ được pha trộn ý tưởng, tình cảm của những loại thơ vừa bàn.
THƠ DỊCH Hoàng Ngọc Quỳnh Giao dịch khá nhiều thơ, nhất là thơ Đường. Một bài thơ khá nổi tiếng Tương Giang của Kinh Thi, nguyên tác như sau: Nhân đạo Tương giang thâm Vị để tương tư bạn Giang thâm chung hữu để Tương tư vô biên ngạn Quân tại Tương giang đầu Thiếp tại Tương giang vĩ Tương tư bất tương kiến Đồng ẩm Tương giang thủy Hoàng Ngọc Quỳnh Giao đã dịch khá thoát và khá sát nghĩa: Người bảo sông Tương sâu Sao bằng nỗi nhớ nhau Sông sâu còn có đáy Tương tư bến bờ nào Chàng ở đầu sông Tương Thiếp mãi cuối cùng dòng Nhớ nhau chẳng thấy nhau Sông Tương nước uống cùng Một bài thơ Đường của Giả Đảo là Vô Đề: Nhị cú tam niên đắc Nhất ngâm song lệ lưu Tri âm như bất thưởng Quy ngọa cổ sơn thu Nữ thi sĩ dịch thành thể thơ lục bát diễn tả nỗi buồn khôn nguôi: Ba năm được mỗi hai câu Một lần ngâm chảy giòng châu hai hàng Tri âm nếu chẳng ngó ngàng Ta về nằm ngắm thu vàng núi xưa Cứ như vậy, nhiều bài thơ Đường của các thi sĩ nổi tiếng như Lý Bạch, Trương Kế… đã được chuyển dịch một cách khéo léo.
THƠ CẢM HỨNG TỪ NHẠC VÀ THƠ Rất nhiều bài thơ của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao có nhan đề là những bài thơ hay nhạc nổi tiếng. Khi nghe Buồn Tàn Thu của Văn Cao, thi sĩ đã xúc động theo thể thơ tự do: “ Em vẫn biết thời gian đi rồi không trở lại Không gian biến hình cho mơ ước một thoáng tàn phai Nhưng ngày đi đêm tới… dẫu ngày tháng mãi hững hờ Niềm thương nhớ vẫn triền miên… dâng ngập tràn mi mắt…” Hoàng Hạc Lâu là một bài thơ Đường nổi tiếng của Thôi Hiệu, đã được nhiều người kể cả thi sĩ Vũ Hoàng Chương dịch. Hoàng Ngọc Quỳnh Giao đã viết bài Hoàng Hạc Ca: “Lòng ta như cánh hạc bay Giữa đời hư ảo tỉnh say mộng thường Xót xa tâm cảnh đoạn trường Ngập ngừng đôi cánh hỏi lòng về đâu…”
THƠ TỰ TRÀO Có vài bài thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao đã tự đem mình ra riễu cợt: “Bảo Sơn, xứ Bỉ có một người Bạc đầu nhưng miệng vẫn còn tươi Mực vung đôi nét thừa vẽ quỉ Bút nghịch vài câu đủ ghẹo người…”
THƠ NHỚ QUÊ HƯƠNG Cũng như hàng triệu người Việt xa quê, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao lúc nào cũng hướng về đất nước thân yêu xa vời vợi. Gửi Cho Em là một trong những bài thơ nhớ quê: “Em có khóc trên quê người xứ lạ Cho tủi hờn nghiêng thổn thức bờ vai Có băn khoăn với mầu đêm buồn bã…”
THƠ TÌNH Thơ tình của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao chứa chất nhiều nỗi buồn. Bài thơ Lối Về được bắt đầu bằng một câu hỏi… buồn: “Người về đâu trong chiều xuân hoa nắng? Tiếng nhạc lòng hò hẹn những thanh âm Sao bước chân vẫn lặng lẽ âm thầm Và đôi mắt chao ơí! buồn xa vắng…” Nỗi sầu thấm thía thấy rõ trong bài Biên Giới: “…Nghe những tàn phai nhòa nỗi nhớ Nghìn trùng nhỏ lệ thoáng mưa bay…” Nước Chẩy Qua Cầu là bài lục bát buồn ray rứt: “Mai kia nước chẩy qua cầu Nước thương nhớ nước có sầu nhớ thương Em đi gió quyện mùi hương Nắng trên suối tóc còn vương nỗi buồn…”
THƠ QUỲNH HOA Vì tên được đặt là Quỳnh, thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao có rất nhiều hình ảnh, mầu sắc và hương thơm của hoa quỳnh, loài hoa chỉ nở trong một thoáng thật ngắn về đêm: Bài thơ đầu tiên trong tập Vàng Hương Mộng Ngọc là bài Quỳnh Hoa, đóa hoa quỳnh vàng đẹp trong đêm trăng, nhưng quỳnh hoa chỉ nở thoáng thời gian ngắn: “Đóa Quỳnh hoa giữa đêm khuya một thoáng Điểm nụ cười hư ảo với trần gian… …Đêm khai hội thắp trời sao lấp lánh Thoáng mơ mòng e thẹn sáng vầng trăng…” Mùi hương hoa quỳnh ngào ngạt ngay từ khi hoa hé nở trong bài Vẫn Thoáng Hương Quỳnh: “Trinh nguyên nụ hé hồng thương tiếc Ngào ngạt lòng thêu đậm nét sâu…” Người yêu quỳnh hoa đã cất tiếng hát trong bài thơ có chút thiền tính Nhật Nguyệt Quỳnh Ca: “…Chờ em trong cõi huyền không Mong em rộn rã hương nồng tình tôi Trăm năm muôn kiếp em ơi Vẫn yêu em mãi vọng lời Quỳnh ca” Và lại hoa quỳnh vàng thơm ngát, trong đêm khuya trong Dạ Quỳnh Hương: “Em ơi đêm thơm một đóa quỳnh Cùng em hương vương không gian Cho ta mơ say mộng ngát tình Quyện mầu sắc thắm môi em…”
Cho đến nay, vì nhiều tác phẩm bị mất mát, Vàng Hương Mộng Ngọc là tập thơ nhạc duy nhất ghi lại được một phần những tác phẩm của Hoàng Ngọc Quỳnh Giao. Hoàng Ngọc Quỳnh Giao từ giã cuộc đời tại Bỉ vào tháng 1, 2001 khi vừa được 48 tuổi.
Cuộc đời của Evita Perón (1919-1952) là một câu chuyện thật của một “Cô Bé Lọ Lem” đã trở thành người đàn bà nổi tiếng nhất, một Đệ Nhất Phu Nhân có uy quyền nhất trong lịch sử của quốc gia Á Căn Đình. Evita Perón, tên nguyên thủy là Eva Maria Imbarguren, sinh ngày 7 tháng 5 năm 1919, tại Colonia Agricola La Union, một tỉnh nhỏ gần Los Toldos, Á Căn Đình. Mẹ của Eva là nhân tình của Juan Duarte, một địa chủ giầu có đã có vợ. Hai người chung sống có với nhau tất cả năm con, kể cả Eva là con út. Sau khi cha Eva bị chết vì một tai nạn xe hơi, gia đình trở thành nghèo túng và mẹ con Eva phải làm nghề nấu ăn cho những người giầu sang để kiếm sống. Đó là lúc cô gái bé nhỏ Eva bắt đầu biết nhận thức chuyện khổ sở của cái nghèo đói và thề nguyện trong tương lai sẽ làm những chuyện có thể cải thiện đời sống cho những người nghèo khổ. Sau khi học xong lớp 6, cô bé xinh đẹp Eva bỏ không đi học và ôm mộng trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Năm 1935, khi được 15 tuổi, người thiếu nữ nhỏ Eva bỏ đi Buenos Aires với một nam ca sĩ chuyên hát nhạc tango tên là Agustin Magaldi. Trôi nổi ở một thành phố có hai triệu dân, Eva tìm cách sống còn. Với sự quyết chí, người con gái trẻ đẹp đã bắt đầu bước vào kịch nghệ, điện ảnh và chẳng bao lâu, đã thành một ngôi sao trong nghề. Hơn nữa, với một cá tính mạnh, phương thức nói chuyện hấp dẫn và lý luận minh bạch, cô còn trở thành xướng ngôn viên của ba đài phát thanh được nhiều người biết đến. Khoảng thời gian này, có những câu chuyện kể lại cho biết Eva đã dùng nhan sắc để được tiến bước trong sự nghiệp. Năm 1944, khi tham dự một buổi hòa nhạc gây quỹ cho những nạn nhân bị động đất, cuộc đời của ngôi sao sáng Eva đến một khúc quanh khi nàng gặp Juan Domingo Perón, Đại Tá lãnh tụ nổi tiếng và đang lên của Quân Đội Á Căn Đình. Juan Perón là một người đàn ông góa vợ khá đẹp trai và cao lớn. Sinh năm 1895, Juan lớn tuổi hơn Eva khá nhiều, khoảng gấp đôi tuổi của cô khi họ gặp nhau. Nhưng, tình yêu không có tuổi. Anh hùng gặp gỡ giai nhân tài hoa, hai người đã yêu nhau ngay từ đêm đầu tiên gặp nhau, rồi sống với nhau để tiếp tục yêu nhau và cùng với nhau càng ngày càng nổi tiếng hơn. Đến năm 1945, Juan Perón đã làm đến chức Phó Tổng Thống của Á Căn Đình, nhưng trong một xã hội với những hoàn cảnh chính trị khá hỗn loạn. Đến lúc Juan phải từ chức và còn bị bắt giữ, có thể bị thủ tiêụ Nhưng Eva đã tài tình xếp đặt mọi chuyện, xách động đám đông dân chúng đa số là những người lao động, đi biểu tình và cuối cùng giải cứu được người tình. Sau khi Juan được thả tự do, hai người chính thức kết hôn. Rồi Juan Perón đã ra ứng cử Tổng Thống và nhờ sự tích cực của Eva sát cánh vận động bầu cử, năm 1946, Juan Perón đã đắc cử Tổng Thống thứ 29 của Á Căn Đình bằng một số phiếu bầu tuyệt đối. Tổng Thống Juan Perón, với những ảnh hưởng thật sâu đậm từ Eva, đã làm nhiều việc nhằm mục đích cải tiến đời sống của dân lao động. Vào lúc đó, Evita Perón, trở thành người đàn bà nổi tiếng nhất, có quyền lực nhất tại Á Căn Đình và trên thế giới. Cuộc du lịch Âu Châu của Đệ Nhất Phu Nhân Evita Perón, vào năm 1947, được tả nhiều trong sách vở. Evita được tiếp đón rất nồng nhiệt tại Tây Ban Nha, nhưng khá lạnh nhạt ở Pháp, ở Tòa Thánh Vatican và nhất là tại Anh Quốc khi Hoàng Gia Anh đã từ chối không mời Evita vào thăm Buckingham Palace. Nhưng khi từ Âu Châu trở về Á Căn Đình, hàng trăm ngàn dân chúng Á Căn Đình đã tự động rủ nhau đi đến hải cảng nô nức đón phu nhân. Được dân chúng ủng hộ, Evita đã làm những chuyện có thể nói là cách mạng trong xã hội Á Căn Đình. Vì quá khứ của Eva, người ta đã kỳ thị không chịu mời Evita giữ chức Chủ Tịch Danh Dự của Sociedad de Beneficenca, mà theo truyền thống luôn luôn do phu nhân tổng thống quốc gia đảm trách. Evita Perón đã thẳng tay cắt đứt nguồn tài trợ của cơ quan từ thiện nổi tiếng ở Buenos Aires này và tự đứng ra thành lập, chỉ huy Eva Perón Foundation với những hoạt động xã hội, kinh tế, từ thiện… có tầm vóc lớn lao hơn rất nhiều. Nổi tiếng làm việc tận tâm hết sức mình, Đệ Nhất Phu Nhân Evita Perón đã xây dựng trường học, nhà cửa, nhà thương, xí nghiệp… cho mọi người. Người đói được thức ăn, người đau được cho thuốc uống, sinh viên được cấp học bổng, người thất nghiệp được huấn luyện việc làm. Đặc biệt, đàn bà trong xứ sở cũng được nâng cấp. Đây là lần đầu tiên đàn bà có quyền bầu cử theo đạo luật của Evita soạn thảo, được chấp thuận và ban hành. Nhưng cùng một lúc chính thể Perón đã trở thành độc tài, đàn áp những người chống đối không đồng ý với những sự thay đổi. Đến khoảng năm 1950, lại thêm chuyện nền kinh tế quốc gia bị xuống dốc, nhưng Juan vẫn còn tồn tại là nhờ lòng dân vẫn thương mến Evita. Năm 1951, Evita chấp nhận nguyện vọng của dân chúng, tỏ ý định ra ứng cử chức Phó Tổng Thống cùng liên danh do chồng tái ứng cử. Tuy nhiên, dưới áp lực của Quân Đội, lúc đó không chấp nhận đàn bà được làm những chức vụ cầm đầu chính phủ, Evita đành phải bỏ chuyện ứng cử. Ngay sau đó, Evita phát giác bị bệnh ung thư cổ tử cung và bệnh đã lan khắp cơ thể từ lúc nào rồi. Bệnh ngày càng nặng. Tuy rất yếu và nhiều khi để cho khỏi đuối sức phải dựa vào chồng, Evita Perón vẫn sát cánh bên chồng đi khắp nơi vận động tranh cử. Kết quả những cố gắng hết sức mình của người đàn bà đang gần cạn sức sống đã làm Juan Perón tái đắc cử. Ngày lễ đăng quang tiếp tục chức vụ Tổng Thống của Juan Perón cũng là lần cuối cùng dân chúng Á Căn Đình được nhìn thấy vị Đệ Nhất Phu Nhân với một hình ảnh tiều tụy, nhưng vẫn mỉm cười vẫy mừng đám đông dân chúng đứng đón chào. Ngày 26 tháng 7 năm 1952, Đệ Nhất Phu Nhân Evita Perón từ giã cõi đời, hưởng dương có 33 tuổi. Hàng triệu người Á Căn Đình khóc than thương người đàn bà tài giỏi, một hồng nhan bạc mệnh. Eva chết, nhưng câu chuyện của Evita vẫn chưa chấm dứt, di sản (legacy) của Evita Perón vẫn tiếp tục… Sau cái chết của Evita Perón, không còn nền tảng từ người đàn bà số một của quốc gia, chính phủ Perón xụp đổ nhanh chóng và Juan phải buộc rời ra ngoại quốc. Dù Evita Perón đã chết, chính quyền quân nhân mới vẫn còn sợ người đàn bà, không muốn giữ thi thể của Evita trong nước, vì không muốn làm một biểu tượng cho dân chúng. Họ đã bí mật đem xác chết của Evita Perón đem chôn dấu ở một nghĩa địa nhỏ tại Milan, Ý Đại Lợi. Tiếp theo đó nhiều chuyện xã hội, chính trị đã xẩy ra ở Á Căn Đình và cuối cùng năm 1973 Juan Perón đã hồi xứ, trở về Á Căn Đình và lại ra ứng cử Tổng Thống. Ứng cử viên Phó Tổng Thống trong liên danh lúc đó là Isabel, vợ thứ ba của Juan, sau khi Evita qua đời. Đặc biệt, Isabel Perón cũng đã từng là vũ nữ của những hộp đêm. Luôn luôn nhắc đến Evita Perón trong khi vận động tranh cử, bằng những hình ảnh và những ảnh hưởng của Đệ Nhất Phu Nhân quá cố, Juan và Isabel Perón đã đắc cử. Lần làm Tổng Thống cuối cùng này của Juan Perón chỉ kéo dài một năm và ông chết năm 1974 vì bệnh tử tâm cơ (myocardial infartion). Vì vậy, sau đó Isabel Perón lên chức Tổng Thống và chính Isabel đã đem thi hài Evita Perón về lại yên nghỉ ở Á Căn Đình từ năm 1976. Cuộc đời của Evita Perón đã được viết lại trong nhiều sách báo, đưa lên một vở ca kịch và sau này vào điện ảnh với phim ca nhạc Evita (1996), do nữ tài tử Madonna thủ vai chính. Phim Evita đã đoạt ba giải thưởng Golden Globe và một giải thưởng Academy Awards về âm nhạc. Bài hát cảm động Don’t Cry For Me Argentina đã làm rung động cả thế giới. Vì đẹp, tài giỏi và thành công, Evita Perón được hàng triệu người thương yêu, nhưng cũng vì vậy có kẻ ghét. Dĩ nhiên chỉ là con người Evita chắc cũng làm những điều xấu, nhưng có nhiều huyền thoại thêu dệt quá đáng thêm để làm lu mờ hình ảnh của người đàn bà. Những điều này có thể nói không thành vấn đề, so với cái di tặng của Evita để lại. Đối với đại đa số người Á Căn Đình, phu nhân Evita Perón đẹp, tài giỏi, thông minh và có lòng với người nghèọ Dân chúng đã gọi Eva Perón bằng những danh hiệu Phu Nhân Của Hy Vọng (Lady of Hope), là Thánh Chủ Của Người Nghèo (Patron Saint of the Poor)… Đệ Nhất Phu Nhân Evita Perón đã làm thay đổi xã hội và còn tồn tại trong tâm tưởng người dân quốc gia Á Căn Đình mãi mãi…
Phạm Anh Dũng Santa Maria, California USA Tháng 6 năm 2004
FROM WEKIPEDIA: “Don’t Cry for Me Argentina” is a song recorded by Julie Covington for the 1976 concept album, Evita, and was later included in the 1978 musical of the same name. The song was written and composed by Andrew Lloyd Webber and Tim Rice while they were researching the life of Argentinian leader Eva Perón. It appeared at the opening and near the end of the show, initially as the spirit of the dead Eva exhorting the people of Argentina not to mourn her, and finally during Eva’s speech from the balcony of Casa Rosada. Covington was signed by the songwriters for the track, based on her previous work in musicals.
Don’t Cry For Me Argentina Lyrics by Tim Rice, music by Andrew Lloyd Webber It won’t be easy, you’ll think it strange When I try to explain how I feel That I still need your love after all that I’ve done You won’t believe me All you will see is a girl you once knew Although she’s dressed up to the nines At sixes and sevens with you I had to let it happen, I had to change Couldn’t stay all my life down at heel Looking out of the window, staying out of the sun So I chose freedom Running around, trying everything new But nothing impressed me at all I never expected it to Don’t cry for me Argentina The truth is I never left you All through my wild days My mad existence I kept my promise Don’t keep your distance And as for fortune, and as for fame I never invited them in Though it seemed to the world they were all I desired They are illusions They are not the solutions they promised to be The answer was here all the time I love you and hope you love me Don’t cry for me Argentina Don’t cry for me Argentina The truth is I never left you All through my wild days My mad existence I kept my promise Don’t keep your distance Have I said too much? There’s nothing more I can think of to say to you. But all you have to do is look at me to know That every word is true
Nguyễn Sơn là một họa sĩ và nhiếp ảnh gia Việt Nam cư ngụ ở Đức.
Anh vẽ đẹp và vẽ nhiều, hàng trăm, tranh thường là sơn dầu trên vải bố.
Nguyễn Sơn sáng tác nhiều đề tài khác nhau, nhiều nhất có lẽ là mùa Thu. Họa sĩ đặc biệt vẽ nhiều tranh với tên tranh là đề tựa của bài hát hay của các nhạc sĩ nổi tiếng Việt Nam. Những họa phẩm mang tên như Ngậm Ngùi, Hương Xưa, Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, Nhìn Những Mùa Thu Đi… là tựa đề các sáng tác của Phạm Duy, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn…
Tôi có sáng tác nhiều bài nhạc quỳnh và Nguyễn Sơn có vẽ nhiều tranh hoa quỳnh, do đó chúng tôi quen và thành bạn tri âm qua Internet.
Ngoài Dạ Quỳnh Hương, Nguyễn Sơn cũng vẽ, với đề tài là tên các nhạc phẩm của Phạm Anh Dũng như Rồi Em Đã Xa Tôi, Vàng Thu Ta Mất Nhau, Người Vẫn Quanh Đây, Thánh Nữ Mùa Hạ… và Tiếng Hát Liêu Trai 1, 2 và 3.
Xin giới thiệu vài bức tranh quỳnh của Nguyễn Sơn.
Và nghe/xem vài bản nhạc quỳnh Phạm Anh Dũng được thực hiện thành video với tranh Nguyễn Sơn.
Việt Dzũng qua đời và đã có bao nhiêu người viết hay, cảm động về con người tài đức vẹn toàn. Tuy biết Dzũng từ lâu, nhưng ở xa và với bản tính ít có liên lạc với ai, tôi không có kỷ niệm gì với Việt Dzũng, ngoại trừ một lần gặp gỡ.
Chắc cũng độ khoảng 5 năm rồi, tôi đi Little Sài Gòn tham dự lễ tưởng niệm ông anh rể Trung Tá Nguyễn Quang Hưng, Tham Mưu Trưởng Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, đã mất trong Trại Tù Cải Tạo. Hôm đó Việt Dzũng làm MC, tôi nhớ Dzũng giới thiệu ca sĩ Anh Dũng hát Mấy Dặm Sơn Khê (Nguyễn Văn Đông) thật hay.
Sau vài câu chào hỏi, Dzũng nói: “Anh phổ nhạc bài Gửi Người Dưới Mộ, nguyên tác cả một bài thơ dài!”. Tôi ngạc nhiên, không ngờ Việt Dzũng biết rõ bài thơ của thi sĩ Đinh Hùng như vậy. Biết ý, Dzũng giải thích: “Em thích và cũng phổ bài này, nhưng không trọn cả bài”.
Tôi về tìm và nghe thấy bài của Việt Dzũng nghe có vẻ “ma quái” hơn, thành hợp với ý bài thơ hơn.
Bây giờ 2 bài nhạc đối với tôi là một kỷ niệm để Gửi Người Dưới Mộ, Việt Dzũng, người tôi quý trọng:“Trời cuối thu rồi, em ở đâu? Nằm bên đất lạnh chắc em sầu! Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu …” (thơ Đinh Hùng)
Gửi Người Dưới Mộ (thơ Đinh Hùng, nhạc Việt Dũng) Gia Huy hát, Sỹ Đan hòa âm
Gửi Người Dưới Mộ (thơ Đinh Hùng, nhạc Phạm Anh Dũng) Lê Bảo đàn hát
Gửi Người Dưới Mộ (thơ Đinh Hùng, nhạc Phạm Anh Dũng) Quang Minh hát, Quốc Dũng hòa âm
Phạm Anh Dũng Santa Maria, California USA Tháng 1, 2014
Chú thích: Việt Dzũng qua đời ngày 20 tháng 12 năm 2013
Vài năm trước, tôi có bắt đầu viết một bài nhạc Blues, với tựa đề Quỳnh Về Trong Đêm Vắng. (bắt đầu là Đóa hoa quỳnh tìm về trong đêm). Mới viết được 2 phiên khúc đầu và chưa viết đến điệp khúc. Sau đó tự nhiên bỏ cuộc, khi đã viết bài Dạ Khúc-Bài Nhạc Quỳnh Cuối Cùng.
Nhưng vì tiếc cái giai điệu (melody), tôi đem ra viết lại thành bài với tên Tiếng Hát Trong Đêm với lời (lyrics) có ý nghĩa khác hẳn. (Bắt đầu là Tiếng hát nào vọng về trong đêm). Nhưng cũng không hoàn thành được, vì cứ định viết đoạn điệp khúc thì dòng nhạc bị ngưng đọng. Xoay sở trong khoảng vòng 2 năm không tiến triển được.
Gần đây tôi có gửi cho Ngô Thụy Miên bài viết dở dang Tiếng Hát Trong Đêm nhờ viết thêm dùm. Ngô Thụy Miên có khuyên tôi cố thử viết lại với ý tưởng khác đi. Tôi quyết định trở lại với ý ban đầu là bài Quỳnh Về Trong Đêm Vắng. Và chỉ khoảng 15 phút đồng hồ là nghĩ viết ra ý chính đoạn điệp khúc (sau có sửa chữa), một cách dễ dàng không ngờ. Rồi viết thêm phiên khúc 3.
Viết xong gửi cho chị Vĩnh Phúc. Chị đổi chữ “gây” thành “khơi” và “ta vẫn mình ta” thành “ta vẫn lẻ loi”.
Phạm Anh Dũng (tháng 12 năm 2021)
**********
Quỳnh Về Trong Đêm Vắng
(nhạc và lời Phạm Anh Dũng)
Đóa hoa quỳnh về trong đêm tối Khuya trăng lên khơi nỗi buồn dậy Thời gian nhanh lạnh lùng dao cứa Ái ân xưa ước hẹn về đâu?
Đóa hoa quỳnh nở trong đêm vắng Trong sương đêm màu hoa trinh trắng Nhớ thương hoài chuyện tình dĩ vãng Vẫn thương ai, thương mãi ngàn năm
Quỳnh, người yêu xa xưa Quỳnh, lòng ta tan nát đây Quỳnh, ôi tình yêu nào… tan… theo mây… đen tối!
Chút hương quỳnh tàn bay theo gió Trong tim ta nhạt nhòa lệ hoa Cơn mê hoang hoa rời xa người Trong đêm thâu ta vẫn lẻ loi…
Mộng Thủy hát, Quốc Vũ hòa âm, Hoàng Khai Nhan video
Tôi quen Vân Châu qua thân mẫu của Vân Châu, ca sĩ Thu Vàng ở Orange County. Tuy chưa gặp nhưng chúng tôi có liên lạc qua Facebook khoảng 3 năm. Tôi được biết Vân Châu là một cô giáo dậy Anh Văn tại một trường Trung Học ở Sài Gòn. Cô gọi tôi là bác và xưng cháu. Vân Châu hát tình ca, vài bản nhạc cho tôi và nhiều cho các nhạc sĩ khác.
Cũng qua Facebook lúc sau này tôi có biết Vân Châu và các bạn trong năm 2021 qua, từ lúc dịch covid trở nặng tháng Bảy 2021 khi Sài Gòn có “lệnh giãn cách”, đã bỏ công sức thì giờ nhiều để tổ chức giúp đỡ những người nghèo khổ trong đại dịch Covid-19 tại Sài Gòn. Vân Châu làm việc với tiền của chính mình và donations từ bạn bè cùng các hội Thiện Nguyện như tập thể học sinh lớp 10A1 trường trung học Trần Quốc Tuấn, Nồi Cháo Từ Tâm Quảng Ngãi, hội Thiện Nguyện tỉnh Gia Lai… Hàng tuần cháu và các bạn đã mua gạo, mắm, dầu ăn, đậu, rau… xong gói thành từng gói. Cháu cũng nấu các món ăn ngay như thịt kho, thịt muối, tương đậu nành, mắm ruốc Huế… xong cho vào từng hộp. Những quà này và có thể cả tiền mặt được tặng không cho những người nghèo khổ trong cơn đại dịch. Trong suốt mùa dịch vừa qua, hầu như mỗi 2-3 ngày, cháu cùng các bạn lại đi đến các vùng quận Gò Vấp, quận 12, quận Bình Chánh, huyện Hóc Môn đến các khu dân nghèo đói bị ảnh hưởng nặng bởi trận dịch. Vân Châu và 6 người khác trong nhóm dùng phương tiện riêng với xe hơi và xe gắn máy để mua thức ăn và để chuyên chở đến người dân nghèo. Khó khăn nhất là mua hàng hóa vì khan hiếm và đắt, rồi phải đích thân tìm đến những khu nghèo khổ trao quà tận tay tại nhà của từng người, trong khi sự di chuyển bị hạn chế ở các khu vực bị cách ly. Nguy hiểm nhất là có thể bị lây nhiễm bệnh Covid-19 bất cứ lúc nào.
Tuy vậy mỗi lần làm xong thì “bản thân cảm thấy hạnh phúc vì chia sẻ được những khó khăn và mất mát của đồng bào.”
Khi biết chuyện, tôi có gửi chút tiền chung góp vào việc làm của cháu. Và đặc biệt cũng gửi riêng 1 số nhỏ hơn dặn kỹ là “để cháu mua mask tốt đeo khi đi làm việc thiện.”
Mong ước Vân Châu vẫn có đủ điều kiện tiếp tục lâu dài việc thiện, quý.