THẾ SỰ THĂNG TRẦM

hồi ký, tác giả: Trần Bảo Anh

Copyright 2022 Tuongvi Tran

in tại Saigon Graphics (Canada)

ISBN: 979-8-218-6471-6

*

LIÊN LẠC:

Trần Bảo Anh saigon2878@gmail.com

*

*

NHẬT KÝ CỦA MỘT NỮ HỘ SINH

Bác sĩ Trần Mộng Lâm

Chiến tranh Việt Nam 1954-1975, dù gọi tên là gì chăng nữa, Nội Chiến,
Chiến Tranh Xâm Lăng, Chiến Tranh Ủy Nhiệm, Chiến Tranh vì lý tưởng,
vì chủ nghĩa….thì chẳng qua, đối với nhiều người, đó chỉ là một cơn bão
tố, làm chết người, lôi cuốn ra biển khơi những nạn nhân vô tội, làm tan
vỡ những giấc mộng, những mảnh đời một cách rất tức tưởi. Thế là có
những éo le trong cuộc sống, luật sư đi làm bếp, làm nhà hàng, bác sỹ đi
làm bố thắng, giáo sư chạy taxi…v.v…. Mấy ai trở lại được với những giấc
mộng mà mình nuôi dưỡng, và tâm tình những người bất đắc chí đó, nào
ai hay??.

Sau 75, nhiều hồi ký đã xuất hiện. Có những người trong quân đội nói về
các trận đánh, có những cựu học sinh nói về mái trường của mình, có Chu
Văn An, có Petrus ký, có Phan Thanh Giản, Đoàn Thị Điểm, có Y Khoa,
có Dược Khoa, nhưng có một cái trường mà thú thật, đây là lần đầu tiên
tôi được thấy, tôi được đọc …, đó là trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia . Mọi
người ít để ý, vì trường này tương đối nhỏ, chỉ thâu nhận có khoảng 50
học sinh mỗi năm. Điều này làm tôi rất ngạc nhiên, vì người Việt Nam
không phải là ít, mấy chục triệu . Tại sao sự đào tạo các nữ hộ sinh ít thế,
có đủ cung ứng cho nhu cầu không, và khoảng trống giao cho ai ??? hay
ở các tỉnh nhỏ, tại các nơi hẻo lánh, thì đàn bà “đi biển một mình” . Nhưng
thôi, tạm gác lại câu hỏi đó để đọc lại cuốn hồi ký mới xuất hiện năm
2022.

Tôi vừa nhận được từ tác giả cuốn sách đó. Cuốn sách mang tên Thế Sự
Thăng Trầm. Tác Giả là Trần Bảo Anh. Thoạt nhìn tên, người ta nghĩ rằng
tác giả phải là một người đàn ông đã chín chắn, đã có một kinh nghiệm
nào đó với cuộc đời, bởi đã dám đề cập tới thế sự. Bởi những lẽ đó, khi
đọc xong, ngạc nhiên được biết tác giả là một phụ nữ, một cựu học sinh
của trường Nữ Hộ Sinh. Thế sự thì nhiều vô kể, nhiều mặt, nhiều lãnh
vực. Thế nhưng thế sự quan trọng nhất đối với một con người là thế sự
liên quan đến họ và sau đó mới tới thế hệ của họ, nói chung. Vì thế, cuốn
Thế Sự Thăng Trầm làm tôi có cảm giác đây là hai cuốn sách ghép lại với
nhau. Cuốn thứ nhất liên quan đến vận mệnh của một người nữ hộ sinh,
học và ra trường, hành nghề tai Miền Nam trong các thập niên 60.70, trước
và sau khi Sài Gòn xụp đổ. Cuốn thứ hai liên quan đến Miền Nam, đến
những người công chức, quân nhân, đến những mẩu chuyện đời, xưa và
nay đối chiếu. Kể cũng lạ, vì nữ giới ít đề cặp tới đề tài này.

Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia năm cạnh Bảo Sanh Viên Từ Dũ, nơi mà
sau này Việt Cộng đổi tên thành xưởng đẻ Từ Dũ cho xứng với danh
xưng “đỉnh cao nhân trí tuệ” của bọn chúng. Từ bảo sanh viện, ta có thể
đi bộ sang trường này dễ dàng. Hồi đi học, tôi đã có nhiều năm tháng miệt
mài tập sự nơi nhà thương này, nhưng ít để ý tới sự sinh hoạt của các nữ
sinh nơi đây, xem họ sinh hoạt ra sao. Nay mới có dịp đi sâu vào cái “thế
giới đàn bà” đó. Nhờ sự tiết lộ của tác giả, ta biết rằng thời gian huấn
luyên là ba năm sau Tú Tài, bằng thời gian của Võ Bị Đà Lạt nếu tôi không
lầm,( hay có lầm, cũng chút chút thôi).Về ăn ở, sinh hoạt, kỷ luật, thì cũng
như một quân trường, rất nghiêm ngặt, có các huấn luyện viên, gọi là
các “mô”(monitrice) giám sát. Về chuyên môn, thì việc đào tạo và thực
tập không khác trường Y, nhưng hạn chế trong một môi trường giới hạn
hơn. Tác giả đã mô tả một cách rất tỉ mỉ về ngôi trường, các nhân vật nay
đã đi vào dĩ vãng, những ông thầy, những nhân viên, những người gác
gian, tất cả. Có khi dễ thương, có khi khó chịu, nham hiểm, nhưng họ cũng
đã để lại những dấu vết khó quên.

Một năm. Hai năm. Rồi 3 năm, người đọc được tác giả dẫn dắt cho tới khi
ra trường, vào nghề…Thời tác giả lên đến năm cuối cùng, thì cũng là năm
mà giáo sư Trần Anh bị ám sát…nói thế để mọi người hình dung được đó
là thời chiến tranh đang diễn ra tàn bạo tại đất nước mình.
Khuôn khổ của bài viết này không cho phép tôi đi vào chi tiết nhưng
những trang hồi ký thì nếu đọc kỹ, ta sẽ thấy việc đào tạo các nữ hộ sinh
bài bản đến thế nào. Không bao giờ có chuyện nhờ chuyên tu, nhờ quen
tay mà sống lâu lên lão làng, từ một người học lực lớp ba trở thành nữ hộ
sinh được, trừ bọn Cộng Sản !!!

Ra trường, người sage femme đó ( khi còn được huấn luyện trong trường,
họ được gọi là sage fille), dù đậu cao, tình nguyện đi xuống Miên Tây
phục vụ. Và kỳ lạ thay, bà đã chọn nhiệm sở đầu tiên là Quân Y Viện
Long Xuyên- Phải chăng nghề nhiệp của hai người anh đã ảnh hưởng bà,
nhất là người anh thứ hai, một bác sỹ Thủy Quân Lục Chiến.
Vào thời điểm đó, tôi còn ở trong quân đội, và cũng phục vụ tại Miền Tây,
tỉnh Cần Thơ, cách Long Xuyên không xa. Những gì tác giả nhìn thấy tại
Long Xuyên cũng là những gì tôi nhìn thấy tại Cần Thơ, những thương binh,
những chết chóc, những đổ vỡ, máu và nước mắt,…. và Chiến tranh…Khác
hơn là sau đó tác giả thuyên chuyển về Từ Dũ trong khi tôi ở lại đến ngày định
mệnh.

Rồi ngày 30 tháng tư năm 1975 đến với người dân Miền Nam như một tai
họa trên trời rớt xuống. Tác giả phải miễn cưỡng ở lại với quân thù, phục
vụ trong hàng ngũ họ mấy năm trời, nạn nhân của những cán bộ xuất thân
là các “phu quét đường”. Làm như quét đường mãi thì thành nữ hộ sinh
lãnh đạo, không cần học Anatomie, không cần học Physiologie !!!. Trong
bối cảnh đó, nhờ người anh Thủy Quân Lục Chiến, bà vượt biên và định
cư ỏ Mỹ, đến nay đã được mấy chục năm, dĩ nhiên không trở lại với nghề
nghiệp của mình được, tuy không bao giờ quên được mộng ước của thời
son trẻ, thời của một sage fille.

Thời gian cứ lạnh lùng trôi, Ngày nay bà đã ở vào một giai đoạn “không
phải lo đến cơm áo” nữa nên có cơ hội nhìn lại đời mình, có cơ hội viết
về thế sự thăng trầm. Những gì đọc trong cuốn sách đó là những chuyện
nhiều khi đã biết, nhiều khi chưa, về những người sống tại Miền Nam,
quân , cán, chính…đủ các hạng người.Mẫu số chung của họ là lòng can
đảm, là sự lương thiện. Nhưng ỏ đây có một nhận xét là những người ở
trong quân chủng Thủy Quân Lục Chiến được ưu tiên hơn các người khác.
Những gì đã được viết ra, đáng để tác giả đạt danh hiệu “Người Binh Nhì
Danh Dự của Thủy Quân Lục Chiến”. Dĩ nhiên không thể quên sự uyên
bác của tác giả khi so sánh những nhân vật ngày nay với những nhân vật
của một thời xa xưa, của những truyện Tầu mà chúng ta say mê khi còn
nhỏ.

Mấy chục năm ở Mỹ, nằm nhà Mỹ, ăn cơm Mỹ mà tác giả viết rất ít về
quãng đời sau. Hình như những năm tháng đó đối với tác giả mới là giá
trị, mới là đáng nhớ, tuy nó rất ngắn ngủi.
Tác Giả cho biết khi chấm dứt phần hồi ký : Chỉ tiếc rằng không có cơ
hội làm sage femme trở lại, vì tôi luôn luôn nghĩ rằng ” deliver a baby” là
cả một nghệ thuật. Âu cũng là ý trời…
Vâng, âu cũng là ý trời, cả nước Việt Nam cũng thế.

Advertisement